Thứ 7, 23/11/2024, 09:22[GMT+7]

Công nhân xây dựng “oằn mình” vì nắng nóng

Thứ 6, 19/05/2023 | 21:10:19
6,838 lượt xem
Trong cái nắng, nóng khắc nghiệt của mùa hè, những ngày vừa qua nhiệt độ trung bình được thông báo từ 36-39 độ C. Tuy nhiên trên các công trường thi công dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, dưới sự hấp thụ, tỏa nhiệt của những khối bê tông, những mặt đường mới thảm nhựa, nhiệt độ thường cao hơn rất nhiều.

Dưới cái nắng như đổ lửa, các kỹ sư, công nhân thi công tuyến đường vành đai phía Nam thành phố vẫn miệt mài làm việc để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Chạy đua thời gian, “thi gan” cùng nắng nóng

Với khuôn mặt bịt kín, anh Vì Văn Miên, công nhân Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh đang thi công hạng mục cầu sông Hồng thuộc tuyến đường bộ ven biển cho biết: Đợt nắng nóng này thật sự khắc nghiệt, mới sáng ra đã rát hết cả mặt, mồ hôi ra nhiều, mất sức. Thi công dưới trời nắng như vậy vất vả vô cùng, nắng từ trên đầu dội xuống nhưng không gay gắt bằng sức nóng từ các khối bê tông dưới đất hắt lên. Chúng tôi, kể cả những người khỏe nhất cũng không chịu được một tiếng thi công dưới trời nắng nóng như vậy, cứ khoảng 30 phút lại thay phiên nhau tìm chỗ nghỉ và uống bổ sung nước. Nhiều người còn bị say nắng, không thể làm tiếp được, phải đưa vào lán nghỉ ngơi.

Khoảng 10h trưa ngày 19/5, khi có mặt trên công trường thi công cầu sông Hồng, trời nắng chang chang, nhiệt độ chúng tôi đo được lên đến trên 40oC, những công nhân như anh Miên vẫn đang mải miết với khối bê tông, buộc từng sợi thép, đẩy từng xe cốt pha với quyết tâm hoàn thành sớm công việc được giao.

Ông Phạm Quang Cường, phụ trách kỹ thuật công trình cầu sông Hồng (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh) cho biết: Nắng nóng khiến công việc của anh em công nhân thêm vất vả. Để hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng và bảo đảm sức khỏe cho anh em công nhân, nhà thầu đã chủ động sắp xếp lại thời gian các ca, kíp làm việc sao cho vừa bảo đảm hiệu quả công việc, an toàn trong lao động vừa tránh được nắng nóng. Theo đó, chúng tôi làm việc từ sáng sớm đến hơn 10 giờ thì nghỉ, chiều làm từ 14-15 giờ đến 20 giờ, hôm nào tăng ca thì nghỉ muộn hơn 1 - 2 tiếng.

Công nhân, kỹ sư thi công tuyến đường bộ ven biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Hiện nay, đơn vị thi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài đang tập trung thi công đào đắp nền đường và cấu kiện đúc sẵn với khối lượng xây lắp lớn. Dưới cái nắng như đổ lửa, hàng trăm kỹ sư, công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long vẫn miệt mài “đày nắng”, cả người ướt đẫm mồ hôi.

Kỹ sư Nguyễn Huy Sơn, chỉ huy trưởng thi công công trình, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long cho biết: Thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, chúng tôi không thể trì hoãn. Thay vào đó, trên công trường đã có nhiều giải pháp hỗ trợ và bảo đảm sức khỏe cho công nhân như: Công tác tổ chức thi công được đẩy lên sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều, cung cấp đầy đủ nước uống, thiết bị bảo hộ, chống nắng. Tại khu nhà ở công nhân đã trang bị quạt hơi nước, điều hòa để sau ca làm việc ban ngày vất vả, công nhân sẽ có giấc ngủ ngon, bảo đảm sức khỏe cho ngày làm việc tiếp theo.

Công nhân Công ty Cổ phần Đông Đô Thái Bình nỗ lực thi công hoàn thiện tầng 13, công trình tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Mặc dù thời tiết nắng, nóng gay gắt nhưng không khí thi công trên công trường các dự án trọng điểm của tỉnh như: tuyến đường từ thành phố đi Sa Cao, tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, công trình xây dựng tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh …  vẫn không kém “nhiệt”. Vì tiến độ và trách nhiệm với công trình, những công nhân không né tránh ánh nắng thiêu đốt, mà thay vào đó là “thi gan” cùng nắng nóng để chạy đua với thời gian.

Công trình tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ.

Chú trọng sức khỏe người lao động

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO (sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương) nên năm 2023 mùa hè đến sớm và gay gắt hơn năm 2022.

Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nhiệt độ cao nhất tại Thái Bình vài ngày qua luôn duy trì ở mức trên 37oC và còn tiếp diễn trong những ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, nhiệt độ ghi nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa… Chính vì thế, việc giữ gìn sức khỏe là điều cần thiết đối với mỗi người bởi nếu không sẽ dẫn tới sốc nhiệt, thậm chí có thể tử vong.

Để bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ kỹ sư, công nhân, các nhà thầu đã áp dụng nhiều biện pháp chống nắng, nóng. Không chỉ bố trí khu vực nghỉ giữa giờ, nước và các loại đồ uống giải nhiệt, mà thời gian nghỉ luân phiên cũng được rút ngắn từ 2 tiếng xuống còn 30 phút làm việc/lần nghỉ.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, những người làm việc ngoài trời cần tránh thời điểm nắng nóng gay gắt nhất từ 12-16 giờ vì đây là thời điểm tia cực tím cao nhất; cần sử dụng kem chống nắng, quần áo thoáng mát; uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn chín, uống sôi, bổ sung thêm dưỡng chất... Khi cảm thấy cơ thể không khỏe, cần phải vào chỗ mát nghỉ ngơi.

Một số hình ảnh do phóng viên Báo Thái Bình ghi nhận trong ngày 19/5:

Nhóm công nhân miệt mài lao động dưới nền nhiệt vượt ngưỡng 40oC.

Sức nóng từ các khối bê tông khiến nỗi vất vả như nhân lên.Các công nhân phải ăn mặc kín để tránh nắng nóng thiêu đốt da thịt.

Đợt nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến không khí trở nên nóng nực, ngột ngạt.

Lao động dưới cái nắng như đổ lửa khiến người lao động nhanh xuống sức.Tại các công trình xây dựng dân dụng, công nhân cũng “phơi mình” dưới cái nắng như đổ lửa.Nhiều công trình phải căng bạt để che bớt nắng nóng chiếu thẳng vào những người thợ xây.

“Lều tạm” là nơi các công nhân nghỉ ngơi tránh nắng.


Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày