Thứ 7, 23/11/2024, 09:47[GMT+7]

Phòng, chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm của toàn xã hội Kỳ 2: Nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư

Thứ 7, 29/07/2023 | 11:21:33
6,244 lượt xem
Quan tâm duy trì hoạt động hiệu quả của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, huyện Quỳnh Phụ là một trong những địa phương triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều cách làm hay, phát huy sức mạnh, sự vào cuộc của cộng đồng dân cư.

Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh ở địa bàn dân cư đã có tác động tích cực tới mỗi gia đình.

Bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳnh Phụ cho biết: Trên địa bàn huyện hiện đang duy trì hoạt động hiệu quả 37 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cấp xã và 232 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cấp thôn. Ngoài ra còn có 264 câu lạc bộ, 276 nhóm và 321 tổ tư vấn về gia đình. Trong đó, các câu lạc bộ, nhóm, tổ tư vấn về gia đình đã tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thành viên về sức khỏe; phổ biến các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; giáo dục con cái không phạm tội, không mắc tệ nạn xã hội... Đây đều là địa chỉ để các thành viên có thể chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình và thông qua những buổi gặp gỡ định kỳ mọi người kịp thời động viên, giúp đỡ thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ hoạt động thường xuyên, tích cực, các câu lạc bộ, nhóm, tổ tư vấn về gia đình kịp thời tiếp nhận thông tin, phát hiện các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) và đề ra biện pháp can thiệp đối với người gây bạo lực cũng như nạn nhân bị BLGĐ. Trong những trường hợp cần thiết, các câu lạc bộ, nhóm, tổ tư vấn về gia đình sẽ chủ động liên hệ với tổ hòa giải ở cơ sở, chính quyền địa phương để phối hợp tư vấn trực tiếp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Đối với hoạt động hòa giải tại cơ sở, với phương châm kịp thời, chủ động, kiên trì, khách quan, công minh, thấu tình đạt lý, trong năm 2022, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã tiếp nhận 350 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 213 vụ.

Với việc ngay ở cấp thôn cũng đã có những địa chỉ tin cậy, là nơi trú ẩn an toàn cho người phụ nữ trong trường hợp cấp bách đã cho thấy đây là việc làm hết sức cần thiết để giúp nạn nhân bị BLGĐ mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của cộng đồng. 

Sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ thôn Thượng Phúc, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) với vai trò Chi hội phó, bà Phạm Thị Luyên cho biết, gia đình bà cũng đã là nơi trú ẩn an toàn cho 4 chị em bị BLGĐ. Ngoài ra, trên địa bàn thôn còn có 2 gia đình khác cũng là địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Mỗi lần đối diện với những vụ việc bạo lực phát sinh do mâu thuẫn trong gia đình, bà Luyên đều cảm thấy vô cùng xót xa cho hoàn cảnh của những người phụ nữ không may mắn. 

Theo bà Luyên, đa số các vụ việc xô xát trong gia đình xảy ra tại địa phương đều có nguyên nhân từ việc người chồng uống nhiều rượu, lời qua tiếng lại, trong cơn nóng giận không làm chủ được bản thân đã đánh vợ, con. Gia đình bà Luyên có 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, trong đó bố mẹ chồng của bà đều đã cao tuổi nhưng cả gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ các nạn nhân BLGĐ trong trường hợp khẩn cấp. 

Bà Luyên cho biết: Gia đình nào cũng có lúc bất đồng quan điểm, xảy ra mâu thuẫn. Tôi luôn chia sẻ với các chị em trong Chi hội, những khi nóng giận mình cần kiềm chế và bình tĩnh lại vì tranh cãi trong lúc mọi người đều căng thẳng sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Như gia đình của tôi, có bố mẹ đều đã cao tuổi, nhiều khi mình phải đợi lúc các cụ vui vẻ mới chia sẻ quan điểm của bản thân mình, như vậy tránh được mâu thuẫn không đáng có.

Là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), bà Lê Thị Dung trong những năm đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cũng đã trực tiếp hỗ trợ các chị em tại địa phương khi gia đình của họ xảy ra mâu thuẫn. Theo quan điểm của bà, ngoài nguyên nhân từ tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, BLGĐ đôi khi còn đến từ sự bất mãn của người đàn ông khi gia đình không có con trai theo quan niệm “nối dõi tông đường”. Như gia đình bà, khi sinh con gái thứ hai, nhiều người đều đã khuyên hãy cố đẻ thêm con trai. Nhưng nhờ có sự thấu hiểu và đồng hành của chồng, bà Dung quyết tâm không sinh thêm mà nỗ lực nuôi dạy các con nên người. Giờ vợ chồng bà đều đã có tuổi, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, 2 cô con gái ngoan ngoãn, hiếu lễ với cha mẹ, chăm chỉ làm ăn là niềm tự hào lớn nhất. Bà mừng vì nhiều gia đình cũng nhìn vào đó thể thay đổi quan niệm sinh con một bề là con gái.

Năm 2022, toàn huyện Quỳnh Phụ có 96% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa; 100% khu dân cư trên địa bàn huyện tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với các hoạt động văn hóa, thể thao, liên hoan tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết giữa các gia đình trong cộng đồng dân cư. Thông qua thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đã góp phần đoàn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được nâng lên, trách nhiệm của gia đình, dòng họ và vai trò tự quản của xóm làng có nhiều chuyển biến tích cực.

Có thể thấy, cộng đồng dân cư luôn đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống và cách hành xử của mỗi gia đình. Khi cả cộng đồng đều chung tay xây dựng môi trường sống văn minh, hướng tới những giá trị tốt đẹp thì bản thân mỗi gia đình cũng tự thay đổi mình, kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, hướng tới xây dựng “gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”.

Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh ở địa bàn dân cư đã có tác động tích cực tới mỗi gia đình.


(còn nữa)
Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày