Thứ 4, 27/11/2024, 07:51[GMT+7]

Nuôi tôm nước lợ - tiềm năng và thách thức (Kỳ 3)

Thứ 4, 10/04/2019 | 09:14:05
2,162 lượt xem
Để phát triển nuôi tôm nước lợ một cách bền vững, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Thái Bình đã ban hành đề án phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành cũng như nỗ lực vượt khó vươn lên của người nuôi hứa hẹn nghề nuôi tôm có những vụ mùa vàng bội thu.

Nông dân Nam Cường (Tiền Hải) thu hoạch tôm.

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Để người nuôi tôm có những mùa vàng

Nỗ lực của người nuôi

Theo tính toán của ngành chuyên môn, để áp dụng nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi phải đầu tư ban đầu một lần cho hạ tầng, thiết bị với số tiền lớn, khoảng 1,5 tỷ đồng/ha và đưa vào khấu hao khoảng 60 triệu đồng/năm. Cùng với đó, chi phí sản xuất mỗi năm cho 1ha ao nuôi (gồm con giống; thức ăn công nghiệp; công vệ sinh, cải tạo; tiền điện; chi công chăm sóc, quản lý; mua vôi, hóa chất, chế phẩm... ) là hơn 760 triệu đồng. Trong điều kiện thiếu vốn lại khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đòi hỏi mỗi hộ nuôi cần có cách làm riêng phù hợp như trường hợp của anh Nguyễn Văn Nhàn, xã Nam Cường (Tiền Hải) là một ví dụ. Trên diện tích khoảng 8 sào, anh Nhàn đào thành 2 ao nuôi tôm, bờ và đáy ao được lót bạt. 

Theo anh Nhàn, việc anh tự tìm hiểu kỹ thuật, mua nguyên vật liệu và tự xây dựng lắp đặt nhà bạt giúp chi phí giảm 3 - 4 lần so với thuê khoán người khác lắp đặt. 

Còn chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hợp Phố, xã Nam Phú (Tiền Hải) lại chọn cách khác để tăng hiệu quả kinh tế khi nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học Enzim (EM) tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất, mở ra hướng nuôi trồng thủy sản thành công và bền vững cho nông dân. Chị Thủy cho biết: Được tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn áp dụng kiến thức được học vào nuôi tôm với diện tích 3,5ha. Theo đó, tôi sử dụng EM gốc trộn với rượu và nước mía ngâm ủ yếm khí trong 2 ngày, sau đó trộn hỗn hợp chế phẩm này với tỏi đã xay nhuyễn rồi ngâm ủ trong 1 tuần để tạo ra EM tỏi cho tôm ăn. Quá trình áp dụng phương pháp này giúp môi trường ao nuôi sạch, tôm khỏe; đồng thời sản lượng tăng gấp 1,5 - 1,7 lần (10 tấn/năm/3 vụ) do năng suất và mật độ nuôi tôm tăng.

Không chỉ anh Nhàn, chị Thủy mà những người nuôi tôm trong tỉnh đều đã và đang nỗ lực vươn lên, tuy cách làm có khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu làm giàu cho bản thân và góp phần phát triển bền vững ngành nuôi tôm. Trong sản xuất, họ dần tuân thủ theo quy hoạch nuôi tôm của tỉnh; tích cực học tập, áp dụng các quy trình công nghệ mới; đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở nuôi tôm; hình thành liên kết vùng nuôi để tạo ra sản phẩm ổn định, có thể ký kết hợp đồng lâu dài với các nhà máy chế biến, xuất khẩu...

Đồng hành cùng nông dân

Theo đề án phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 trên 2.874ha, sản lượng hơn 12.188 tấn; trong đó, mục tiêu nâng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 620ha. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 762ha, sản lượng đạt gần 14.700 tấn, giá trị đạt trên 1.146 tỷ đồng. Trong thời gian tới, mô hình nuôi tôm công nghệ cao sẽ được mở rộng phát triển tại tỉnh Thái Bình góp phần thực hiện thành công mục tiêu của đề án. Cùng với mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ nước lợ theo quy hoạch, tỉnh chủ trương giảm dần diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến hiệu quả thấp (0,2 - 0,3 tấn/ha/năm) chuyển sang nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi công nghệ cao năng suất trên 30 tấn/ha/năm; duy trì diện tích nuôi tôm sinh thái, nuôi xen ghép với các đối tượng thủy sản khác có giá trị kinh tế để hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi đề án, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện đề án là 709 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương 271 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 37 tỷ đồng; các nguồn hợp pháp khác 401 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được phân theo 2 giai đoạn: giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 311 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 398 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cho việc nuôi tôm như: ưu đãi về đất đai; cho vay vốn đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ; hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất giống tôm, nuôi tôm công nghệ cao nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp... Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tích cực bám cơ sở, nghiên cứu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định những cơ chế, chính sách hỗ trợ mới, nhằm tạo điều kiện giúp người nuôi tôm phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

Đặc biệt, các cấp, các ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với người nuôi tôm thường xuyên cập nhật thông tin về sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU..., các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với tôm nuôi để doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân chủ động điều chỉnh hoạt động nuôi tôm, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

Ông Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Để giúp nghề nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đang được thực hiện, UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định những cơ chế, chính sách mới như: hỗ trợ 50% đơn giá mua hệ thống máy cung cấp ô xy (máy quạt nước, máy sục khí) theo hóa đơn giá trị gia tăng, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/ha; hỗ trợ xi măng để cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi các vùng nuôi tôm nước lợ; hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để đầu tư sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi tôm công nghệ cao, mức vay tối đa 1,5 tỷ đồng/ha, trong thời hạn 3 năm đầu kể từ khi dự án đi vào sản xuất; hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất xử lý dập dịch...

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

Trong tổ chức sản xuất, người nuôi tôm cần thành lập Hội Nuôi tôm nước lợ; các tổ, nhóm hợp tác liên kết sản xuất, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu hỗ trợ người nuôi tôm các khâu trong chuỗi giá trị như: cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngành chuyên môn sẽ xây dựng quy chế quản lý vùng, cơ sở nuôi tôm theo quy hoạch đã được phê duyệt, tránh phát triển nuôi tôm tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường và dịch bệnh.

Ông Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam (Thái Thụy)

Doanh thu hàng năm từ sản xuất tôm nước lợ của Công ty TNHH Phương Nam khoảng trên 20 tỷ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương. Công ty mong muốn được tỉnh tạo điều kiện để mở rộng diện tích trại giống lên khoảng 30ha, đủ diện tích để đầu tư hệ thống sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng với sản lượng cung cấp ra thị trường khu vực miền Bắc từ 100 - 300 triệu tôm giống/năm trong thời gian tới. Trước hết, cần có cơ chế đặc thù để người nuôi tôm theo công nghệ cao thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Cùng với đó, tỉnh sớm có quyết định giao đất cho doanh nghiệp sử dụng lâu dài để chúng tôi yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.


Phan Lợi