Chủ nhật, 10/11/2024, 05:38[GMT+7]

Mô hình trồng bèo hoa dâu - quen mà lạ

Thứ 5, 11/01/2024 | 21:27:24
5,088 lượt xem
Là tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa, cây bèo hoa dâu đã từng rất quen thuộc với nông dân Thái Bình khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón cho lúa. Hiện nay, bèo hoa dâu được một số nông dân huyện Quỳnh Phụ trồng như một cây phát triển kinh tế.

Bèo sau khi thu hoạch cần phơi khô ngay để bảo đảm chất lượng.

Đây là năm thứ ba ông Ngô Quang Dụ, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng trồng bèo hoa dâu làm dược liệu trên diện tích ruộng thuê, mượn được của người dân trong xã. Cấy lúa kém hiệu quả nên ông Dụ chỉ cấy vụ xuân, thời gian còn lại trong năm, ông thả bèo hoa dâu. Từ 2 mẫu năm đầu tiên, năm thứ hai ông mở rộng lên 5 mẫu, khi nắm chắc kỹ thuật, tiêu thụ ổn định, ông thả 10 mẫu. 

Ông Dụ cho biết: Bèo hoa dâu rất dễ thả, phù hợp với thời tiết lạnh miền Bắc. Sau khi thu hoạch lúa xuân, tôi rắc vôi bột cải tạo ruộng để thả bèo. Cây bèo phát triển nhanh, tùy mật độ có thể thu hoạch sau 10 - 15 ngày. Để bèo hoa dâu cho hiệu quả kinh tế cao nhất, người thả cần nắm được kỹ thuật trồng, phòng bệnh và thu đúng lứa. Đặc biệt, sau khi thu hoạch bèo phải được phơi khô để tránh bị thâm đen, ảnh hưởng tới chất lượng. Mỗi vụ (khoảng 6 - 7 tháng), một mẫu có thể thu được 3 - 4 tấn bèo khô trị giá 70 - 80 triệu đồng, nếu canh tác tốt có thể thu nhiều hơn. Đặc biệt, cây bèo có tác dụng cải tạo đất tốt, sau khi thu hoạch bèo cấy lúa không cần bón thêm phân, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Dập bèo để chuẩn bị cho lứa mới. 

Là người đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu bèo hoa dâu cho nông dân, Thạc sĩ Đỗ Văn Hùng, giảng viên Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình cho biết: Các nhà khoa học nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam đang rất kỳ vọng về tương lai của cây bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Bèo hoa dâu được sử dụng với 3 mục đích: sấy khô làm thức ăn cho gia cầm, chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi lợn rất tốt, bởi nguồn thức ăn xanh này giàu protein; thứ hai, làm nguyên liệu đầu vào cho ngành dược chiết xuất ra chế phẩm Phylamin; thứ ba, làm phân bón hữu cơ chất lượng cao. Bèo hoa dâu cũng được kỳ vọng tham gia thị trường tín chỉ carbon bởi bèo hoa dâu hấp thụ khí CO2 rất lớn. Đồng thời với hấp thụ CO2, bèo hoa dâu còn cố định nitrogen khí trời, sản xuất ra đạm thực vật cho đồng ruộng. Năm 2020, khi công ty dược liên hệ với tôi đặt hàng thu mua bèo hoa dâu để nấu cao, chiết xuất làm dược liệu, tôi đi khắp cánh đồng nhưng chủ yếu về xã Quỳnh Hồng, nơi có đền thờ thần bèo để thu gom bèo về nhân giống và liên hệ một số điểm liên kết sản xuất. So với các loại bèo khác như bèo tấm, bèo tổ ong, bèo lục bình, bèo cái... thì bèo hoa dâu nhân rất nhanh, cứ sau 4 ngày lại gấp đôi nhưng yếu hơn, khi gặp điều kiện bất lợi sẽ ngừng phát triển hoặc nhiễm bệnh ngay. Gây hại rất nhanh cho bèo là sâu xanh, sâu tơ, tuy nhiên vì là nguyên liệu để bào chế dược liệu nên tôi hướng dẫn các hộ sản xuất dùng thuốc sinh học.

Là một trong những điểm hợp tác trồng bèo với anh Hùng, anh Đặng Minh Tuấn, thị trấn Quỳnh Côi đang trồng 6 mẫu. Anh Tuấn cho biết: Trồng bèo hoa dâu đầu tư rất thấp, tuy nhiên mất nhiều công thu hoạch, phơi. Khi thu, tôi dùng lưới nhựa may thành đường ống dài, luồn chai nước nhựa vào trong để khi thả xuống nước, các chai nước nửa nổi nửa chìm kéo bèo vào như kéo cá. Vớt bèo lên đợi bèo róc vợi nước rồi mang phơi. Quá trình phơi sẽ nhặt loại bỏ tạp chất. Khoảng 12kg bèo tươi thu được 1kg bèo khô. Để chuẩn bị cho lứa sau, lượng bèo còn lại trên ruộng sẽ phải đánh dập với lực vừa phải sao cho cánh bèo tách nhau ra nhưng lại không được dập nát, càng dập nhiều thì bèo đẻ càng khỏe.

Năm 2023, Thạc sĩ Đỗ Văn Hùng liên kết với 2 hộ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ trồng bèo với diện tích 20 mẫu. Nhu cầu thu mua bèo rất lớn, anh dự định sẽ mở rộng diện tích qua từng năm, phát triển lên khoảng 100 mẫu.

Bèo sau khi phơi khô được sử dụng nấu cao, chiết xuất làm dược liệu. 

Ngân Huyền