Thứ 4, 13/11/2024, 06:50[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary

Thứ 7, 20/01/2024 | 12:48:48
1,786 lượt xem
Chiều 19/1 (giờ địa phương), tại thủ đô Budapest, tiếp tục chương trình thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và có bài phát biểu chính sách tại Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary. Tham dự có Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristóf Szalay-Bobrovniczky.

Thủ tướng Phạm MInh Chính phát biểu chính sách tại Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm và phát biểu tại Đại học Hành chính công quốc gia Hungary, ấn tượng về thành tích của trường; nêu rõ, Hungary là một quốc gia hiếu học, có nhiều nhà khoa học, trí thức, nghệ sĩ đóng góp vào sự phát triển thế giới; Hungary có rất nhiều sáng tạo, đó là ngôn ngữ mang cấu trúc toán học, từ tư duy, ngôn ngữ là mang trí tuệ sâu sắc, cách nói trừu tượng… Điều này phản ánh tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận của người Hungary.

Theo Thủ tướng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, luôn đặt sự vận động trong phát triển, sức mạnh từ nhân dân. Thủ tướng ấn tượng được đi thăm Nhà Quốc hội Hungary, theo đó, qua hình ảnh những người lao động được khắc họa trong Nhà Quốc hội, chứng tỏ Hungary đã coi người dân là trung tâm, chủ thể từ rất lâu.

Về tình hình thế giới, Thủ tướng chia sẻ, về tổng thể, thế giới là hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể hòa hoãn, nhưng cục bộ căng thẳng; tổng thể ổn định nhưng cục bộ có xung đột. Ngoài ra, thế giới đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, vấn đề dịch bệnh, như đại dịch Covid-19… là những vấn đề lớn thế giới ngày nay đang đối mặt, mang tính toàn cầu; không một quốc gia nào bình yên nếu các quốc gia khác đang có vấn đề.

Hiện nay, chiến tranh ở Ukraine, Dải Gaza, Biển Đỏ đều ảnh hưởng trực tiếp đến người dân chúng ta. Những vấn đề mang tính toàn cầu và toàn dân thì phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; đó là kêu gọi chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế. Vấn đề mang tính toàn dân phải giải quyết bằng cách lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng đến người dân, người dân phải tham gia các chính sách. Đây là tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề trên thế giới hiện nay. Chúng ta phải đổi mới, có tư duy mới, có động lực tốt mà không có người dân tham gia thì không thể làm được.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không có bi quan khi tình hình xấu đi, đồng thời không quá lạc quan khi có điều kiện thuận lợi. Thế giới ngày nay khó khăn, thách thức đan xen thời cơ, thuận lợi, nhưng chúng ta xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi để chúng ta chuẩn bị dư địa đối phó, không bị bất ngờ, bị động.

Thủ tướng chia sẻ vấn đề liên quan quân sự: trong tư duy quân sự, chúng ta phải tư duy theo hướng lúc hòa bình phải nghĩ đến lúc có thể có chiến tranh, lúc chiến tranh phải nghĩ đến hòa bình. Khi hòa bình, chúng ta phải rèn luyện quân đội, nâng cao tiềm lực quân sự. Ngược lại, khi có chiến tranh phải nghĩ đến lúc sẽ phải kết thúc chiến tranh, bắt tay vào xây dựng hòa bình. Thủ tướng nêu bài học thực tế của Việt Nam về quốc phòng, an ninh, quân sự để nêu rõ, chúng ta phải luôn chuẩn bị cho mọi điều có thể xảy ra, thì mới không bị động bất ngờ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary Gergeli Deli phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Về tình hình Việt Nam, Thủ tướng khái quát mấy điểm cơ bản: năm 1945, Việt Nam giành được độc lập; ngay sau đó, Việt Nam phải đấu tranh với thực dân cũ, sau năm 1954, phải đấu tranh với thực dân mới.

Theo Thủ tướng, sau đại chiến thế giới 2, không có dân tộc nào hy sinh, mất mát lớn như dân tộc Việt Nam. Khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, GDP Việt Nam mới có 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD. Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng bom mìn sót lại sau chiến tranh vẫn còn, chất độc da cam vẫn để lại nhiều di chứng nặng nề… Do đó, Việt Nam là đất nước rất yêu chuộng hòa bình, không muốn ở đâu có chiến tranh.

Hiện nay, Việt Nam thực hiện xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh trong nước và ngoài nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi chính sách đều hướng đến người dân, do dân, vì dân, của dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi cần thiết Nhà nước vẫn có công cụ để can thiệp.

Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam coi yếu tố con người vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; thực hiện đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế thực chất, chủ động, hiệu quả.

Việt Nam dựa vào nguồn lực bên trong là chính, đó là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa; coi nguồn lực bên ngoài là đột phá, đó là tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, thể chế.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 500 tỷ USD đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư hơn 300 tỷ USD. Việt Nam không xây dựng nền kinh tế biệt lập mà là nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam xây dựng nền quốc phòng “4 không”.

Việt Nam phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, phát triển công nghiệp văn hóa để chuyển di sản thành nguồn lực với mục tiêu, tầm nhìn là huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức để đến năm 2030 có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước có thu nhập cao.

Những năm qua, Việt Nam bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn; kiểm soát lạm phát; kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu; tỷ giá được ổn định… Hiện nay, Việt Nam thực hiện phương châm chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh. Việt Nam đang nỗ lực bảo đảm ổn định chính trị, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quá trình này, Việt Nam rút ra 5 bài học: kiên trì độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; nhân dân làm nên lịch sử, mọi chính sách, mọi hoạt động, mọi mục tiêu đều hướng tới lợi ích của nhân dân, sức mạnh từ nhân dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài; đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, đoàn kết quốc tế; phải có sự lãnh đạo của Đảng vì lợi ích quốc gia, nhân dân.

Quang cảnh buổi phát biểu chính sách.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng và cảm ơn việc Hungary đã ủng hộ Việt Nam vaccine trong thời kỳ đại dịch Covid-19; nêu rõ, Việt Nam có rất nhiều khó khăn, đó là xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế lớn; sức chống chịu các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược hiện nay, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do đó phải tìm con đường đi phù hợp.

Với các sinh viên, Thủ tướng nhắn gửi, chúng ta bên cạnh việc nỗ lực học tập, phải có lòng yêu nước, khát vọng, ước mơ xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, trong đó có phần của mình, trong lợi ích chung có lợi ích riêng; chúng ta sẽ có quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Thủ tướng nêu bật tính nhân văn, đồng loại trong mỗi con người.

Do đó, Thủ tướng mong có sự tăng cường giao lưu thế hệ trẻ hai nước, tăng cường kết nối giao lưu nhân dân, để cho tình hữu nghị Việt Nam-Hungary mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, để hai nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng nêu rõ, khoảng cách địa lý hai nước rất xa nhưng 75 năm qua điều này không ngăn được chúng ta giúp đỡ lẫn nhau; do đó, thế hệ ngày nay phải làm sâu sắc, phong phú quan hệ này hơn.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày