Chính phủ Mỹ đối mặt khó khăn ngân sách
Việc đồng ý về một “nghị quyết tiếp tục” (CR) cấp ngân sách ngắn hạn cho Chính phủ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ngân sách hiện tại sẽ cạn vào ngày 19/1 đối với một số cơ quan liên bang, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, trong khi những cơ quan khác như Bộ Quốc phòng chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 2/2. Hai thời hạn này sẽ được kéo dài tương ứng đến ngày 1/3 và 8/3. Theo lịch trình, luật chi tiêu của chính phủ hết hạn vào ngày 17/11/2023. Tuy nhiên, để ngăn nguy cơ chính phủ phải đóng cửa, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời và Tổng thống Joe Biden đã ký phê chuẩn vào ngày 16/11/2023. Luật này tài trợ cho xây dựng quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1/2024.
Ngày 7/1 vừa qua, các nghị sĩ Mỹ cho biết đã đạt thỏa thuận lưỡng đảng về ngân sách liên bang khoảng 1.600 tỷ USD cho năm tài chính 2024, đánh dấu bước tiến hướng tới tránh phải đóng cửa chính phủ liên bang trong năm bầu cử tổng thống. Theo thỏa thuận, được soạn thảo dựa trên đề xuất của Chủ tịch Hạ viện khi đó là Kevin McCarthy và Nhà trắng hồi năm ngoái, chi tiêu của Lầu năm góc tăng lên khoảng 886,3 tỷ USD, cao hơn các khoản chi tiêu phi quốc phòng khoảng 100 tỷ USD mà đảng Dân chủ vạch ra. Thỏa thuận này dọn đường cho Quốc hội hành động nhằm duy trì các khoản tài trợ quan trọng cho người dân Mỹ và ngăn kịch bản chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, hiện không còn nhiều thời gian để các bên trong Quốc hội thống nhất về chi tiết các khoản chi tiêu và thông qua dự luật liên quan khi hạn chót là ngày 19/1 tới đang cận kề, và một số cơ quan thuộc chính phủ liên bang đang cạn kiệt nguồn tài chính.
Những khó khăn về ngân sách của Mỹ được đặt ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và nợ công khổng lồ là những vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, giảm đầu tư và tăng áp lực lên các chương trình xã hội. Nợ công lớn cũng có thể khiến nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế.
Theo báo cáo mà Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố, thâm hụt ngân sách trong quý I tài khóa 2024 (từ tháng 10 đến tháng 12/2023) đã tăng 21% so cùng kỳ năm ngoái, lên mức 510 tỷ USD.
Nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng là do chi tiêu lớn hơn, trong đó có cả khoản lãi trả cho nợ công. Lãi cho nợ công trong quý I này đã tăng 78 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, lên mức 310 tỷ USD. Đây cũng là mức lãi cho nợ công cao nhất trong một quý kể từ năm 2011. Tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt mức 34.000 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho quân sự và an sinh xã hội cũng tăng trong quý đầu tiên của tài khóa 2024. Chi tiêu quân sự tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lên 269 tỷ USD. Chi tiêu cho an sinh xã hội tăng 5%, lên 717 tỷ USD. Theo báo cáo, nguồn thu ngân sách gia tăng từ các khoản thu thuế từ các cá nhân và doanh nghiệp, song không thể bù đắp khoản chi của nước này. Ngược lại, chi tiêu trong một số lĩnh vực khác như nông nghiệp giảm do kết thúc chương trình chi tiêu khẩn cấp cho nông nghiệp. Chi tiêu cho nông nghiệp trong quý I tài khóa 2024 giảm 40%, xuống mức 10 tỷ USD. Nếu tốc độ thâm hụt ngân sách tiếp tục được duy trì như hiện nay, Mỹ sẽ kết thúc năm 2024 với mức thâm hụt hơn 2.000 tỷ USD.
Nợ công cao cản trở nỗ lực đạt đồng thuận về vấn đề ngân sách trong Quốc hội Mỹ, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn về chi tiêu liên bang. Mặc dù đã thông qua các dự luật tạm thời để ngăn chặn nguy cơ phải đóng cửa chính phủ, vấn đề trần nợ công và ngân sách có thể sẽ “nóng” trở lại trên bàn thương lượng khi Quốc hội Mỹ phải thông qua một số khoản ngân sách cho năm tài khóa 2024.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật