Thứ 7, 23/11/2024, 14:17[GMT+7]

“Chìa khóa” cho an ninh lương thực bền vững

Chủ nhật, 04/02/2024 | 10:44:42
1,974 lượt xem
Diễn đàn toàn cầu về Lương thực và Nông nghiệp (GFFA) 2024, do Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức (BMEL) tổ chức, vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị CityCube Berlin, nhằm tạo thêm động lực cho đối thoại quốc tế trong lĩnh vực chính sách nông nghiệp. Thiết lập một hệ thống lương thực bền vững cho tương lai được nhấn mạnh là “chìa khóa” giải bài toán an ninh lương thực và ngăn chặn nguy cơ nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.

Ảnh minh họa.

Với chủ đề “Hệ thống thực phẩm cho tương lai: Chung sức vì một thế giới không còn nạn đói”, Hội nghị GFFA lần thứ 16 là một sự kiện quan trọng để kết nối và tạo một nền tảng mang tính xây dựng, nhằm làm sâu sắc thêm và tăng cường đối thoại chính trị về nông nghiệp. Hội nghị là nơi hội tụ của khoảng 2.000 nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và thành viên xã hội dân sự, cùng tham gia các phiên thảo luận và kết nối. 

Đáng chú ý, nhiều sự kiện GFFA được tổ chức mở, trong đó có ba diễn đàn đối thoại cấp cao và 16 hội thảo chuyên gia. Điểm nhấn chính trị của GFFA là Hội nghị không chính thức lớn nhất thế giới của các Bộ trưởng Nông nghiệp, diễn ra vào ngày cuối cùng của Hội nghị. 

Sự tham gia của khoảng 70 Bộ trưởng Nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, đại diện cấp cao của hơn 10 tổ chức quốc tế lớn, như Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ngân hàng Thế giới (WB), cho thấy tầm quan trọng của sự kiện khi đề cập tới vấn đề sống còn của nhân loại.

Vấn đề cấp bách

GFFA 2024 tập trung bàn thảo bốn chủ đề: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và chủ quyền lương thực; Hỗ trợ chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững; Giảm thất thoát, lãng phí lương thực; Hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Đây là những vấn đề thiết thực hiện nay góp phần làm cho hệ thống thực phẩm phù hợp hơn với tương lai, trong khi cộng đồng quốc tế chỉ còn bảy năm nữa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Bảo đảm an ninh lương thực là một trong những vấn đề tối quan trọng và cấp bách hiện nay khi theo số liệu mới nhất, trên thế giới cứ 10 người thì có một người đang thiếu ăn. 

Trong bối cảnh đó, những nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra là vô cùng khó khăn khi chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu liên tục phải đối mặt với những trở ngại mới và lớn hơn bao giờ hết như khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học, tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh và xung đột. Hơn nữa, các cuộc đối thoại đa phương vẫn bị lu mờ chủ yếu bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và hậu quả của nó đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Bảo đảm an ninh lương thực là một trong những vấn đề tối quan trọng và cấp bách hiện nay khi theo số liệu mới nhất, trên thế giới cứ 10 người thì có một người đang thiếu ăn. Hơn hai tỷ người trên thế giới không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. 

Đây là thách thức đối với vấn đề an ninh lương thực, vốn là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người. Thông cáo chung được các Bộ trưởng Nông nghiệp của 61 quốc gia đưa ra khi kết thúc hội nghị bày tỏ sự quan ngại rằng, thế giới vẫn đang ở giữa một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu chưa từng có và rất khó có thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 2, nghĩa là “Không còn nạn đói” vào năm 2030, với những biện pháp vẫn được thực hiện bấy lâu nay. Nếu không có hành động quyết liệt, gần 600 triệu người trên thế giới vẫn sẽ phải đối mặt nạn đói vào năm 2030.

Với một trong những lý do chính gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng là chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới, những người đứng đầu ngành nông nghiệp các nước nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp cận lương thực bền vững, đầy đủ và không bị cản trở cho người dân ở các khu vực xung đột. 

Thông cáo khẳng định cần phải thực hiện đầy đủ quyền con người về thực phẩm, tức là thực phẩm phải sẵn có, dễ tiếp cận, với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Việc thực hiện Hướng dẫn tự nguyện của FAO về Quyền thực phẩm cần được tăng cường và phổ biến rộng rãi hơn.

Tăng tốc chuyển đổi

Nhằm đạt được SDG số 2 là “Không còn nạn đói” và các mục tiêu bền vững khác của Chương trình nghị sự 2030, các Bộ trưởng Nông nghiệp cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững, địa phương hóa, thích ứng với địa điểm và có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận sinh thái nông nghiệp, canh tác hữu cơ, hệ thống nông lâm kết hợp và nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học. Về khía cạnh này, các bộ trưởng cho rằng cần thúc đẩy các chu kỳ khu vực và chuỗi cung ứng khu vực cũng như tiêu dùng bền vững. 

Trong một báo cáo mới đây, Chương trình Lương thực thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và FAO kêu gọi các chính phủ và các đối tác tài chính ưu tiên các chương trình tăng cường hệ thống lương thực và sinh kế thích ứng với khí hậu, đồng thời đầu tư vào các hệ thống bảo trợ xã hội; đồng thời khuyến nghị phát triển và thực hiện kịp thời các chương trình khẩn cấp nhằm giải quyết ngay lập tức nhu cầu lương thực và dinh dưỡng của những người đang gặp khủng hoảng. 

Trong vấn đề này, tại GFFA, các bộ trưởng cho rằng, các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt bị ảnh hưởng bởi mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và các cuộc khủng hoảng cần được hỗ trợ. Sự tham gia bình đẳng, đặc biệt là của thế hệ trẻ và phụ nữ, là rất quan trọng. Ngoài ra, cần giảm bất bình đẳng trong đối xử với phụ nữ trong nông nghiệp, tăng cường vai trò của phụ nữ, kể cả ở các vị trí lãnh đạo. Phụ nữ cần được tiếp cận tốt hơn với đất đai và các nguồn tài nguyên.

Tình hình an ninh lương thực ngày càng xấu đi và việc thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu không có tiến bộ đã buộc các nước phải nỗ lực hơn nữa để hướng tới một thế giới không còn nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030.

Để tăng cường quản trị tính bền vững, cần có các cơ chế bảo đảm quyền về đất đai, tiếp cận hạt giống chất lượng cao và tiếp cận công bằng với tài chính và kết cấu hạ tầng nông thôn. Các bộ trưởng thống nhất tạo ra một cách tiếp cận mang tính hệ thống thông qua phối hợp liên ngành và gắn kết các biện pháp chính sách. Các bộ trưởng cũng hướng tới mục tiêu giảm một nửa chất thải thực phẩm toàn cầu. Theo đó, đến năm 2030, lãng phí và thất thoát thực phẩm sẽ giảm đáng kể trong toàn bộ chuỗi giá trị. 

Ngoài những mục tiêu cụ thể, điều này còn đòi hỏi những biện pháp hữu hiệu. Thất thoát và lãng phí lương thực phải được định lượng và tất cả các bên đều phải tích cực tham gia - từ cơ sở sản xuất sơ cấp đến hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón bền vững để ổn định năng suất và tránh tình trạng thiếu nguồn cung toàn cầu. Quản lý phân bón phải là một phần của quản lý đất tổng hợp và bền vững. Các quốc gia ở phía nam bán cầu cần được hỗ trợ trong việc sản xuất phân bón bền vững.

Tình hình an ninh lương thực ngày càng xấu đi và việc thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu không có tiến bộ đã buộc các nước phải nỗ lực hơn nữa để hướng tới một thế giới không còn nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu cần nỗ lực lớn và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia. Trong bối cảnh thế giới đang phải trải qua cùng một lúc nhiều cuộc khủng hoảng, việc bảo đảm an ninh lương thực là thách thức lớn, đòi hỏi các quốc gia phải tăng tốc chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững hơn và công bằng hơn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày