Chủ nhật, 10/11/2024, 05:42[GMT+7]

Nhớ người có công

Thứ 6, 09/02/2024 | 15:20:18
8,826 lượt xem
Với những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, niềm vui xuân mới năm nào cũng đặc biệt và ấm áp hơn khi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội.

Công tác chăm lo cho người có công và thân nhân người có công được tỉnh Thái Bình thực hiện tốt trong thời gian qua. Trong ảnh: Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho thương binh người Thái Bình đang được điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam).

Được sống và hít thở bầu không khí của độc lập, tự do hôm nay, chúng ta càng thêm biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ ông cha đã hiến dâng máu xương, tuổi trẻ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong ký ức của thương binh nặng Nguyễn Duy Tơn, ở phường Quang Trung (thành phố Thái Bình), ông không thể nào quên những ngày tết Mậu Thân năm 1968. Bấy giờ, ông là chỉ huy tham gia chiến đấu tại Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 304, chiến trường Quảng Trị. Ông kể: Tết Mậu Thân năm ấy, anh em chiến sĩ chúng tôi ăn tết được 2 phong lương khô; 1 gói mì mazico và 1 điếu thuốc lá Trường Sơn. Nói là ăn tết nhưng tâm thế lúc nào cũng trong trạng thái chiến đấu bởi đây là thời điểm cuộc chiến tranh giữa ta và đế quốc Mỹ tại chiến trường Quảng Trị đang cực kỳ căng thẳng và quyết liệt. Cận tết Mậu Thân, nhận lệnh cấp trên, đơn vị của tôi nổ súng đánh trận Khe Sanh, trận chiến bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới kết thúc. Đánh trận này, quân ta thiệt hại không ít nhưng mục tiêu cao nhất là giải phóng thị trấn Khe Sanh đã hoàn thành. Trong trận chiến này, ông Tơn đã bị thương rất nặng khi đạn của địch bắn thẳng vào một bên cánh tay, bị vỏ đạn găm vào mắt và đầu. May mắn sống sót trở về từ chiến trường ác liệt với tỷ lệ thương tật lên tới 83%, những năm qua, ông Tơn luôn nhận được sự quan tâm chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Sự quan tâm chu đáo đó đã phần nào làm vơi bớt những đau thương, mất mát của những người không tiếc máu xương hy sinh cho Tổ quốc như ông.

Ông Nguyễn Duy Tơn rất phấn khởi khi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền các cấp mỗi dịp lễ, tết.

Anh Phạm Quang Thành, ở phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình) là con của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Liệt sĩ Phạm Hồng Thái lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1967 và anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam vào tháng 3/1972. Đến nay, gia đình anh Thành vẫn chưa tìm được hài cốt của bố mình. Anh Thành tâm sự: Khi bố tôi hy sinh, mẹ tôi bước sang tuổi 26, với đồng lương công nhân ít ỏi, bao nỗi vất vả, lo toan trong cuộc sống nhưng bà đã ở vậy và nuôi dạy tôi khôn lớn, trưởng thành cho đến ngày hôm nay. Trong những năm qua, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền vào những ngày lễ, tết. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, gia đình tôi rất vinh dự và phấn khởi khi được đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và lãnh đạo thành phố Thái Bình đến thăm hỏi, động viên. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình, bản thân tôi và các thành viên luôn chấp hành, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Năm 2023, gia đình tôi đã được Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình tặng giấy khen công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2022.

Quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người có công với cách mạng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt những năm qua. Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, không để đời sống của các gia đình chính sách rơi vào khó khăn, có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của người dân trong khu vực họ sinh sống. Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử của người Việt Nam.

Chăm sóc sức khỏe chu đáo cho đối tượng người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tỉnh Thái Bình.

Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Điều đó đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy sức mạnh của toàn xã hội để chăm lo cho những người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Toàn tỉnh hiện có 58.307 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng 140 tỷ đồng. Tỉnh ta luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công, thân nhân người có công. Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân người có công với cách mạng với gần 85.000 suất quà, tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng tích cực kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa để trao quà cho đối tượng chính sách trên địa bàn. Việc triển khai trao quà tết cho người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng.

Đỗ Hồng Gia