Rộn ràng xuống đồng đầu xuân
Từ ngày 13/2 (mùng 4 tháng Giêng), nông dân các địa phương trong tỉnh đã nô nức xuống đồng, phần vì để kịp lịch thời vụ, phần mong muốn “lấy may” cả năm để mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Khí thế sản xuất trên các cánh đồng theo đó trở nên hồ hởi, rộn ràng, náo nhiệt. Những chiếc máy làm đất chạy không ngơi nghỉ, kỹ càng bừa nốt những thửa ruộng chưa kịp làm trong tết.
Vụ này, gia đình ông Nguyễn Xuân Hạnh, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) gieo cấy 1,5 mẫu với các giống chủ yếu như BC15, TBR225. Mạ đủ tuổi cấy, ruộng cũng đã được bừa phẳng phiu nên thời vụ càng trở nên hối hả hơn. Ông Hạnh chia sẻ: Những ngày đầu năm, thời tiết lạnh về đêm và sáng sớm nên tôi tranh thủ buổi trưa nắng ấm ra đồng mở nilon che mạ để “luyện” cho mạ quen với thời tiết, ngày mùng 4 tết được xem là ngày đẹp, các con chưa đi làm, đi học nên tôi huy động cả gia đình xuống đồng cấy. Tết được chuyển từ nhà ra đồng.
Thụ hưởng cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, vụ xuân này, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) có thêm 4 máy cấy do các gia đình tích tụ ruộng đất trang bị. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ này, HTX SXKD DVNN xã An Ninh tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng 3 cánh đồng liên kết do HTX chủ trì.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết: Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, HTX đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân gieo cấy hết diện tích, quyết tâm không để ruộng hoang. Để bảo đảm tiến độ gieo cấy, HTX hướng dẫn nông dân thực hiện tốt biện pháp làm mạ, chăm sóc, chống rét cho mạ, lúa mới cấy. Với 4 máy cấy được bổ sung cùng thời tiết thuận lợi, xã An Ninh sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất theo thời vụ đề ra.
Đến nay, nhiều diện tích lúa của huyện Đông Hưng cấy trước tết đang phát triển tốt. Mầm xanh của sự sống, của mùa xuân đang trải dài khắp đồng trên xóm dưới. Tuy đã gieo cấy được trên 50% diện tích trước tết Nguyên đán song trên cánh đồng xã Phú Lương những ngày đầu tiên của năm mới không khí sản xuất vẫn rất khẩn trương. Vụ xuân này, xã Phú Lương được Viện Môi trường nông nghiệp và Tổ chức Thanks Carbon (Hàn Quốc) lựa chọn thực hiện mô hình canh tác lúa tưới nước khô ướt xen kẽ nằm trong dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong quản lý nước tiết kiệm và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa giai đoạn 2024 - 2026.
Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Với mô hình này Tổ chức Thanks Carbon và Viện Môi trường nông nghiệp sẽ thử nghiệm giám sát chế độ quản lý nước trên ruộng lúa bởi áp dụng phần mềm giải đoán ảnh vệ tinh kết hợp với đo độ ẩm đồng ruộng bằng các sensor cảm biến độ ẩm đất, phù hợp với điều kiện Việt Nam phục vụ tính toán kiểm kê khí nhà kính. Trên cơ sở đó sẽ cấp chứng nhận carbon cho các cá nhân/tổ chức canh tác lúa phát thải thấp, giúp các cá nhân/tổ chức sản xuất lúa phát thải thấp giao dịch bán tín chỉ carbon. Tại xã Phú Lương, mô hình triển khai với diện tích 67ha, trong đó 61ha thực hiện tưới nước khô ướt xen kẽ theo quy trình của các đơn vị, 6ha đối chứng. Qua tuyên truyền, tập huấn, nông dân đã hiểu được tác động của khí nhà kính đối với biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của việc canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững nên tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật do các đơn vị tập huấn, hướng dẫn. Bà con cũng được giới thiệu khái niệm “bán không khí thu tiền thật” nên tư duy canh tác dần thay đổi.
Đến ngày 14/2 (mùng 5 tháng Giêng), toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 40.000/74.250ha. Thời vụ gieo cấy phấn đấu kết thúc trước ngày 22/2. Cơ giới hóa khâu gieo cấy được mở rộng qua từng vụ, nhờ đó tiến độ gieo cấy được đẩy nhanh.
Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện nay thời tiết đang nắng ấm, thuận lợi cho gieo cấy nên các địa phương cần chủ động hướng dẫn, đôn đốc nông dân tập trung ra đồng sản xuất. Đồng thời, đối với những diện tích đã cấy xong cần chủ động tỉa dặm, giữ nước và theo dõi tình hình phát sinh của sâu bệnh.
Mang theo không khí rộn ràng của mùa xuân ra đồng, nhịp độ sản xuất náo nức lan tỏa khắp các địa phương hứa hẹn một vụ sản xuất bội thu.
Nông dân huyện Đông Hưng ra đồng chăm sóc lúa cấy trước tết.
Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng