Thứ 7, 23/11/2024, 18:07[GMT+7]

Cần phải giữ nguyên tắc: Quốc lộ là Trung ương lo, tỉnh lộ là địa phương lo

Thứ 6, 15/03/2024 | 22:57:25
840 lượt xem
Chiều 15/3, tiếp tục nội dung làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. (Ảnh: Duy Linh).

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Về quy định hệ thống giao thông thông minh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trong dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Về quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xây dựng 2 phương án:

Phương án 1, quy định cho phép Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ; đồng thời bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.

Phương án 2, cơ bản giữ nội dung như dự thảo Luật Chính phủ trình nhưng bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan.

Đối với hoạt động quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ đó cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về quy định chung đối với đường cao tốc, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực. Mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo Luật.

Về đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình. Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng, về cơ bản việc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch không làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư dự án, nhưng lại đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và về tổ chức thực hiện dự án.

Về phí sử dụng đường cao tốc, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, vì vậy cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Cho ý kiến liên quan nội dung đền bù giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo luật cần có sự rà soát để quy định phù hợp hơn. Bên cạnh đó, các quy định của dự thảo Luật lần này cần phải giữ nguyên tắc quốc lộ là Trung ương lo, tỉnh lộ là địa phương lo.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ cần phân định rõ, do hai luật có những nội dung trùng nhau. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm, tránh trùng lấn.

Cho ý kiến về các dự án liên quan đến đường cao tốc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy còn băn khoăn về nội dung mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc gắn với các đường đã đầu tư từ trước mà có các trạm thu phí BOT. Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này rõ ràng hơn.

Quan tâm đến quy định về phân cấp quản lý ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng: điều quan trọng nhất là chúng ta cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống nhằm kết nối vùng. Do vậy, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: DUY LINH.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, còn trách nhiệm của Trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông. Một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù, trong một số trường hợp như thiên tai, bão lũ, công trình phúc lợi, xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Vì vậy, không nên luật hóa vào trong luật nhưng có thể phân cấp để địa phương tham gia vào quá trình đầu tư, giải phóng mặt bằng. Nếu đủ điều kiện có thể làm chủ đầu tư cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng cao tốc chủ yếu là trách nhiệm của ngân sách quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo luật đã cơ bản thể chế hóa được quan điểm của Đảng, bám sát yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đủ điều kiện để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày