Thứ 7, 23/11/2024, 12:45[GMT+7]

Chủ tịch Quốc hội tiếp Đoàn đại biểu Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản

Thứ 5, 28/03/2024 | 17:03:13
1,691 lượt xem
Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Masayoshi Fujimoto và Ngài Masayuki Hyodo, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật-Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) cùng một số lãnh đạo các Tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là thành viên của Keidanren sang Việt Nam tham dự Cuộc họp cấp cao khởi động giai đoạn 1, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản. (Ảnh: DUY LINH).

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác, đóng góp quý báu của Keidanren cũng như vai trò của hai Chủ tịch và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Ngài Masayoshi Fujimoto và Ngài Masayuki Hyodo cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp đoàn; bày tỏ vui mừng khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; đồng thời cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, ở góc độ doanh nghiệp, Keidanren mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước; cho rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị, kinh tế phát triển, dân số vượt ngưỡng 100 triệu người. Công bố cuối tháng 12/2023 của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho thấy, năm 2023, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trong cuộc khảo sát các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản về các quốc gia hoặc khu vực có triển vọng kinh doanh tốt nhất. Nhấn mạnh, với Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC), Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân; đặc biệt sau khi 2 nước quyết định nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới vào tháng 11/2023. Đây là điểm nhấn đậm nét nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023), mở ra tiềm năng hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa 2 nước.

Ngài Masayuki Hyodo, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Keidanren, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sumitomo, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: DUY LINH).

Đánh giá cao Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã triển khai thành công trong suốt 20 năm qua, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh cũng như tham gia kiến nghị chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần không có ý kiến nào gửi đến mà không được lắng nghe và giải thích cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Chủ tịch Quốc hội vui mừng được biết ngày 27/3/2024, hai ngài Chủ tịch đã cùng chủ trì cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Đây là bước triển khai cụ thể, có ý nghĩa to lớn trong triển khai Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Theo đó, giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á/chuyển đổi xanh (AZEC/GX); Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.

Trao đổi về 5 nội dung trong giai đoạn 1 của Sáng kiến này, về cải cách cơ chế hoàn thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đang cùng Chính phủ nghiên cứu để xây dựng luật về công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ. Luật Điện lực mới được sửa 1 phần liên quan đến việc cho phép tư nhân đầu tư lưới điện. Các cơ quan chức năng đang rà soát để có thể sửa cơ bản luật này, liên quan nhiều đến Quy hoạch điện VIII.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định với chức năng là cơ quan lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Quốc hội Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần không có ý kiến nào gửi đến mà không được lắng nghe và giải thích cụ thể. Các Ủy ban của Quốc hội có thể tham gia trong quá trình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.

Tại cuộc tiếp, hai đồng Chủ tịch, đại diện một số doanh nghiệp của Nhật Bản mong muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, đề cập đến hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, bày tỏ mong muốn thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện...

Ghi nhận các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ nỗ lực của Việt Nam hiện nay trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó có soát xét thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục, giáo viên, hợp tác công-tư trong giáo dục…

Ngài Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: DUY LINH).

Cùng với cuộc tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, năm 2024 sẽ thực hiện tổng rà soát về thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực đầu tư kinh doanh. Từ đó góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, không để “đẻ ra giấy phép con” cũng như thêm thủ tục gây phiền hà đối với doanh nghiệp, người dân. Quốc hội sẽ thực hiện giám sát công tác này.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á của Chính phủ Nhật Bản; đồng thời chia sẻ, AZEC cân bằng hơn mục tiêu an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng. Mỗi quốc gia đều coi an ninh năng lượng là vấn đề “sống còn” và chuyển đổi năng lượng xanh là hàng đầu. Vì vậy AZEC phù hợp với thực tiễn ở các nước châu Á hiện nay.

Hoan nghênh Sáng kiến này đã được khởi động, Chủ tịch Quốc hội mong các bên có kế hoạch, chương trình cụ thể, thiết thực, hiệu quả, làm rõ cơ chế, từ tính chất hợp tác đến nguồn nhân lực, nguồn lực, trách nhiệm mỗi bên, có sự đánh giá tổng kết các chương trình hợp tác trước đó. Hai bên nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể đề ra, hướng tới sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong hợp tác triển khai cần giải quyết tốt việc liên kết chuyển giao công nghệ, huy động tài chính, nguồn lực, có cơ chế triển khai khoa học, có sự tham khảo ý kiến người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương, trong đó có cơ quan dân cử…

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số là công cuộc không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Chuyển đổi số liên quan niềm tin số, chủ quyền số quốc gia, an toàn an ninh thông tin mạng… có tính toàn cầu, giao dịch xuyên biên giới; kết nối và phối hợp toàn cầu. Do đó trong tính đến chuyển đổi số phải tính chuyển đổi năng lượng…

Trong các chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ, mấu chốt là sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việt Nam ưu tiên doanh nghiệp chú trọng phát triển các nhà đầu tư thứ cấp để hợp thành chuỗi giá trị theo từng khu vực.

Quang cảnh buổi tiếp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH).

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách môi trường đầu tư, thể chế chính sách, sự tham gia của các cơ quan hữu quan, trong đó có cơ quan lập pháp, sự phối hợp các cơ quan thực thi, vai trò của cơ quan “chỉ huy” trong triển khai Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy, giám sát, sẵn sàng tham gia hoàn thiện thể chế chính sách góp phần thực hiện hiệu quả Sáng kiến này.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế Việt-Nhật cũng như Keidanren tiếp tục phối hợp với các cơ quan Việt Nam tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách, cung cấp các thông tin, kinh nghiệm cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Đánh giá cao kết quả khảo sát trong công bố của JBIC về việc Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trong cuộc khảo sát các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản về các quốc gia hoặc khu vực có triển vọng kinh doanh tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều này thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục hợp tác, ủng hộ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư sang Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản.

Chủ tịch Quốc hội mong Ủy ban Kinh tế Việt-Nhật cũng như Keidanren triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phù hợp với 5 nhóm nội dung chính trong giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ, góp sức của các doanh nghiệp Nhật Bản, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển.

Theo: nhandan.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày