Thứ 5, 19/09/2024, 04:59[GMT+7]

Tiền Hải: Các lực lượng trắng đêm canh gác đê

Thứ 5, 12/09/2024 | 10:10:32
5,870 lượt xem
Đã rất nhiều năm, mực nước trên các sông Trà Lý và sông Hồng tại khu vực huyện Tiền Hải mới ở mức báo động 3 như hiện nay. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các tuyến đê, huyện Tiền Hải chỉ đạo các lực lượng canh coi, tuần tra 24/24 giờ để kịp thời phát hiện xử lý sớm sự cố.

Các đồng chí Thường trực Huyện ủy Tiền Hải kiểm tra trên tuyến sông Trà Lý

Đêm ngày 11/9, phóng viên Báo Thái Bình theo chân các lực lượng của huyện Tiền Hải làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ đê. Lúc này, đã quá nửa đêm, tại khu vực xã Nam Hải, mực nước trên sông Hồng vẫn ở mức cao. 

Tín hiệu báo lũ tại điếm canh đê tả sông Hồng xã Nam Hải.

Đêm ngày 12/9, mực nước lũ trên sông Hồng khu vực xã Nam Hải vẫn ở mức cao.

Làm nhiệm vụ canh gác đê từ nhiều năm nay, song ông Phạm Văn Tú cũng như hàng chục thành viên  đang có mặt tại điếm canh đê tả sông Hồng, xã Nam Hải nhận định đây là cơn lũ lịch sử, chưa thấy năm nào sông lại có lũ lớn như năm nay. 

Ông Tú cho biết: Xác định như vậy nên chúng tôi càng phải thận trọng, không được lơ là mất cảnh giác. Dự báo những ngày tới, mực nước sông Hồng vẫn ở mức cao nên việc tuần tra, canh đê còn  áp lực, vất vả. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, chúng tôi sẽ khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Văn Quyến, người được phân công nghỉ chút lấy sức để thay phiên nhưng vẫn có mặt. Ông Quyến chia sẻ, thấp thỏm không sao chợp mắt được vì không an tâm.  

Lực lượng chức năng túc trực tại vị trí xung yếu đê tả sông Hồng, đoạn qua xã Nam Hồng.  

Đi tiếp đến xã Nam Hồng, nơi có tuyến đê tả sông Hồng đi qua địa bàn xã với chiều dài 3,4km. Lúc này đã gần 2 giờ sáng, trời tối đen, hạn chế tầm nhìn vì là điểm xa khu dân cư nên không có điện lưới, nhưng cũng may là mưa chỉ còn lất phất. Càng tới gần điếm, những ánh sáng từ đèn pin rọi lấp loáng mặt sông để kiểm tra mực nước. Lúc này, các thành viên sở chỉ huy tiền phương số 2 của huyện đang có mặt tại vị trí xung yếu để kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế. Nước mỗi lúc một xoáy mạnh, chốc chốc lại dềnh lên kè Nam Hồng. 

Ông Phạm Văn Điệt, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết: đoạn dài 700m là điểm xung yếu nhất của tuyến đê này. Do vậy, xã huy động hàng chục cán bộ công chức, công an, quân sự, dân quân tự vệ trực 24/24 giờ tại tuyến đê để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố sạt lở đê, kè. 

 Lực lượng chức năng túc trực tại cống Bồng He (Nam Hồng).

Ngoài tuyến đê tả sông Hồng, tại địa bàn xã Nam Hồng còn có 2 cống dưới đê sông rất quan trọng là cống Bồng He và Trung Lang để tiêu thoát nước cho một số xã khu Nam huyện. Tại các điểm cống này công nhân cũng trực vận hành cống 24/24h. 

Ông Vũ Văn Tuấn, công nhân vận hành cống Trung Lang cho biết: Từ hôm có bão số 3 đến nay, tôi cùng một số anh em tại đây luôn phải thay nhau túc trực vận hành cống cả ngày lẫn đêm. Bây giờ là 3 giờ sáng lượng nước tự tiêu chảy từ hệ thống sông trục trong nội đồng ra ngoài sông Hồng đã kém. Chỉ đầu giờ sáng khi có lệnh chúng tôi sẽ đóng cống để ngăn nước từ sông Hồng chảy ngược vào bên trong nội đồng.

Huyện Tiền Hải hiện có hơn 36km đê biển, hai tuyến đê tả sông Hồng và sông Trà Lý với tổng chiều dài 17,3km, 30 cống dưới đê, hệ thống sông trục dài hàng trăm km. Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, kè, cống trong điều kiện mực nước ở các sông Trà Lý, sông Hồng dâng cao, các xã, đơn vị trong huyện đã huy động hơn 1.000 cán bộ, lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ thực hiện túc trực, canh gác, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đê sông, đê biển, các công trình kè, cống nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sự cố xảy ra. Huyện cũng thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương để tập trung phòng chống lũ, bảo vệ đê, kè của 13 xã ven sông, ven biển. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện thông tin nhanh với phóng viên: Qua công tác kiểm tra, các lực lượng canh gác, làm nhiệm vụ tại các tuyến đê, kè, cống trên địa bàn huyện luôn túc trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Huyện đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong việc triển khai các biện pháp ứng phó với lũ trên sông. Đến thời điểm này các công trình đê, kè, cống vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu các xã, lực lượng làm nhiệm vụ không lơ là, chủ quan, cần cảnh giác ở mức cao nhất, duy trì chế độ thường trực, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống xấu có thể xảy ra.

Trời bắt đầu về sáng, phóng viên chúng tôi ngược lên thành phố. Lúc này, nước sông Hồng có hiện tượng dâng cao, việc tiêu thoát nước tại các cống tiêu chậm hơi. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Tôi hiểu đêm nay, với họ tiếp tục sẽ là đêm thức trắng. Nhớ lại câu nói của ông Phạm Văn Quyến, thành viên gác điếm xã Nam Hải: Lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng tinh thần “thức” để bảo vệ sự bình yên cho người dân.

 Công nhân vận hành cống Tân Lập (Nam Hải) kiểm tra hệ thống vận hành phai cửa cống.

 Kiểm tra vật tư chuẩn bị cho công tác phòng, chống úng tại đếm canh đê tả sông Hồng khu vực xã Nam Hải.

Công nhân vận hành cống Trung Lang (Nam Hồng).

Công nhân cống Trung Lang (Nam Hồng) kiểm tra lượng nước chảy tiêu thoát qua cống  

Bữa cơm ăn vội của những người canh gác đê ban đêm 



Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày