Chủ nhật, 10/11/2024, 05:52[GMT+7]

Nông dân Hồng Tiến trúng đậm mùa rươi

Thứ 6, 08/12/2017 | 09:29:55
4,042 lượt xem
Những ngày này, nông dân xã Hồng Tiến (Kiến Xương) hối hả bước vào vụ thu hoạch rươi. Được mùa, trúng giá, bà con nơi đây thu về hàng chục tỷ đồng từ loài đặc sản này và phấn khởi nghĩ về một cái tết sung túc.

Nông dân Hồng Tiến thu hoạch vụ rươi cuối năm.

Từ 2 – 3 giờ sáng, ông Vũ Văn Toàn, thôn Nam Tiến đã xách đèn pin đi kiểm tra con nước để lấy nước vào ruộng khai thác rươi.

Ông Toàn chia sẻ: Muốn có năng suất cao thì phải chọn đầu con nước khi độ mặn vừa phải đưa vào ruộng thì mới có nhiều rươi lên và chất lượng rươi mới ngon. Tuy không vất vả nhưng bà con chúng tôi phải canh lấy nước vào vừa đủ, đến khoảng 9 giờ sáng, nước sông Hồng rút theo nước thủy triều ngoài biển thì bắt đầu mở cống tháo nước trong đồng ra.

Việc mở cống cho nước vào và ra khiến rươi ngoi lên di chuyển. 

Nước vào, nước ra sẽ khiến cho rươi ngoi lên và di chuyển. Lúc này, nông dân chỉ việc dùng vợt vớt hoặc căng lưới đầu cống bắt rươi.

Nhà bà Bùi Thị Sáu, thôn Nam Hòa có gần 2ha ruộng, chỉ trong buổi sáng đã thu hoạch được hơn 50kg rươi. Vì đây là con đặc sản lại chỉ có thời vụ ngắn trong năm nên thương lái tấp nập đổ về chờ bà con bắt lên đến đâu, cân thu mua và chuyển đi tiêu thụ ngay tới đó. Với giá bán tại ruộng từ 400.000 – 430.000 đồng/kg, gia đình bà Sáu thu về hơn 20 triệu đồng.

Nông dân thu hoạch rươi. 

Bà Sáu chia sẻ: Để ruộng có nhiều rươi, theo kinh nghiệm dân gian các cụ truyền lại thì ruộng phải giữ được môi trường tự nhiên, không bị ô nhiễm nguồn nước và đất. Vì vậy, bà con nơi đây chỉ trồng cói, không sử dụng các chất kích thích, hóa chất phun bao giờ.

Nhờ bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường, sản lượng rươi ở Hồng Tiến đạt gần 88 tấn/năm.

Hồng Tiến là xã nằm gần cửa sông Hồng đổ ra biển nên nguồn nước ở đây lợ, thích hợp cho loài rươi sinh sống, phát triển và chất lượng thịt rươi cũng ngon hơn các địa phương khác trong cả nước.

Dù mặt trời đã đứng bóng, rất nhiều nông dân xã Hồng Tiến quên cả ăn trưa, thay nhau trực để thu hoạch rươi. Nhờ đầu tư xây dựng bờ bao và hệ thống cống lấy nước ra, vào nên hiện nay bà con không còn vất vả đi xúc rươi như trước mà sử dụng lưới căng đầu miệng cống đón rươi bơi theo dòng nước chảy ra sông.

Thương lái đến thu mua rươi ngay tại ruộng cho nông dân. 

Xã Hồng Tiến có 65ha bãi dọc triền sông Hồng có thể cho thu hoạch rươi với hơn 80 hộ sản xuất. Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX Thủy sản xã cho biết: Với hai vụ thu hoạch rươi vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân thu về gần 88 tấn rươi cho giá trị xấp xỉ 40 tỷ đồng.

Rươi là loài đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài thu nhập từ con rươi, nông dân Hồng Tiến còn khai thác đánh bắt được từ 70 -  80 tấn cáy tự nhiên. Với giá thị trường ổn định 70.000 đồng/kg cáy, bà con thu về trên dưới 5 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, trên cùng diện tích khai thác rươi, nông dân trồng cói và lúa. Chỉ tính riêng thu từ diện tích 40ha cói, mỗi năm đạt sản lượng hơn 200 tấn cói khô, bán với giá 10.000 – 13.000 đồng/kg, nông dân còn thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Đây thực sự là mảnh đất vàng cho nông dân làm giàu.

65ha bãi xã Hồng Tiến được nông dân trồng cói vừa cho thu nhập vừa bảo vệ nguồn cáy và rươi.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tránh tình trạng xâm lấn bờ bãi do sạt lở, hiện nay, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Hồng Tiến tập trung tuyên truyền, vận động nông dân gia cố bờ bao, tổ chức trồng sú, vẹt chắn sóng và bảo vệ môi trường. Duy trì và mở rộng diện tích trồng cói bảo tồn hệ sinh thái, nhất là tạo môi trường tự nhiên cho cáy và rươi phát triển. UBND xã cũng mong muốn Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương nâng cấp hệ thống bờ bao, đê bao chắn sóng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân canh tác thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Khắc Duẩn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày