Thứ 4, 13/11/2024, 07:00[GMT+7]

Trường Tiểu học An Đồng: “Gieo mầm” văn hóa đọc

Thứ 6, 12/04/2024 | 09:00:31
5,012 lượt xem
Bền bỉ nhiều năm qua, các thầy cô giáo Trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ) “gieo mầm” văn hóa đọc, khuyến khích phát triển thói quen đọc sách đối với học sinh. Giải thưởng phát triển văn hóa đọc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là sự ghi nhận xứng đáng dành cho nhà trường. Nhưng giải thưởng lớn hơn là những “mầm cây” được “gieo” đã “bén rễ”, học sinh nhà trường gặt hái nhiều “hoa trái” tri thức.

Thư viện trường là điểm đến thường xuyên của học sinh các khối lớp.

Trong khuôn viên thư viện trường khang trang với gần 6.000 đầu sách ở các lĩnh vực, thầy giáo Bùi Huy Hùng, Trường Tiểu học An Đồng chia sẻ với chúng tôi những cách làm hiệu quả để khuyến khích học sinh duy trì thường xuyên thói quen đọc và tra cứu thông tin từ sách: Các thầy cô đã truyền lửa đam mê đọc sách cho các em với nhiều hình thức. Ngoài thư viện trường, thư viện xanh, các em học sinh có thể đến vào đầu giờ mỗi buổi học, giờ ra chơi giữa các tiết học thì 100% lớp học đều có tủ sách được bổ sung sách liên tục thông qua nhiều nguồn. Ngoài ra, thầy cô khuyến khích học sinh lớp 4, lớp 5 đọc sách, truyện cho các em học sinh lớp 1 nghe. Cô thủ thư cũng thường xuyên hướng dẫn học sinh các khối lớp cách tìm và đọc sách, tóm tắt nội dung, tiếp cận thông tin từ sách một cách hiệu quả. Liên tiếp trong nhiều năm học, nhà trường chú trọng tạo không gian đọc sách thân thiện, thuận lợi đối với học sinh và tổ chức đa dạng cuộc thi như trình diễn thời trang với sách, kể chuyện sách... thu hút rất đông học sinh tích cực tham gia, thúc đẩy phong trào đọc sôi nổi trong nhà trường. Nhiều thời điểm trong năm, Thư viện tỉnh đưa xe ô tô thư viện đa phương tiện về trường, tổ chức những giờ đọc sách mới mẻ dành cho học sinh. Ngoài ra, các thầy cô cũng linh hoạt nhiều cách làm trong việc khuyến khích học sinh đọc sách. Một ví dụ là trong giờ học, tôi đưa ra bài toán tương đối khó, sau khi đã giảng giải cho các em, tôi hỏi các em có biết bài toán đó thầy giáo tìm hiểu ở đâu không? Thực chất thầy cũng không biết nhưng thầy được đọc trong một cuốn sách. Đây là cách làm rất hiệu quả để học sinh thêm hiểu về ý nghĩa của việc đọc và khơi nguồn thích thú, hăng say đọc sách cho các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Trần, cán bộ thư viện Trường Tiểu học An Đồng cho biết: “Gieo mầm” và nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách với trẻ nhỏ luôn là thử thách lớn, nhất là đối với học sinh tiểu học bởi đây là độ tuổi bắt đầu con đường học tập, hình thành thói quen đọc sách. Bởi vậy, ngoài những cuốn truyện tranh, cô giáo luôn chú ý lựa chọn, hướng các em tìm những loại sách phù hợp lứa tuổi của mình. Ví dụ, với học sinh lớp 1 đã có khả năng ghi nhớ mặt chữ và đọc được các câu dài, cô giáo sẽ giới thiệu với các em những tác phẩm văn học có nhiều hình vẽ minh họa sống động như truyện dài “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), tập thơ “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa)... khắc họa thiên nhiên, loài vật sẽ kích thích trí tưởng tượng, đem đến một cảm giác dễ chịu, nuôi dưỡng tình yêu của các em với cuộc sống xung quanh và hiệu quả trong việc phát triển vốn từ vựng.

Thành quả từ những cách làm hay và sáng tạo, thu hút sự quan tâm từ đông đảo học sinh của các thầy cô giáo Trường Tiểu học An Đồng không chỉ được ghi nhận thông qua giải thưởng phát triển văn hóa đọc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà đây cũng là trường học có đông học sinh đạt giải nhất tại cuộc thi đại sứ văn hóa đọc do Thư viện tỉnh tổ chức năm 2023. Từ 300 bài thi tham gia cuộc thi đại sứ văn hóa đọc của học sinh các khối lớp, Trường Tiểu học An Đồng tổ chức chấm và lựa chọn 7 bài với chất lượng tốt nhất để gửi đi. Trong số này, 5 bài đã đạt các giải bao gồm: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải chuyên đề. Các bài thi sau khi đạt giải đều được trình bày trước toàn trường, tạo nên hiệu ứng tích cực, khích lệ niềm say mê đọc sách, áp dụng kiến thức từ sách của các em học sinh.

Ông Nguyễn Đình Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng chia sẻ: Nhận thức rõ vị trí, vai trò của sách và văn hóa đọc trong nhà trường cũng như đối với cộng đồng, nhà trường sớm xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu ngay từ đầu năm học và có nhiều biện pháp để nâng cao nhu cầu đọc sách, phát triển hiệu quả văn hóa đọc trong nhà trường. Một trong những giải pháp là vấn đề nêu gương của cán bộ, giáo viên. Mỗi thầy cô giáo đều là một tấm gương yêu sách, quý sách, giữ gìn sách, đọc sách, kể chuyện sách, giới thiệu sách cho các em học sinh trong mọi hoạt động một cách phù hợp.

“Gieo mầm” văn hóa đọc là công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, cần có những phương pháp phù hợp với điều kiện của từng nơi. Mong rằng, từ điểm sáng tại Trường Tiểu học An Đồng, văn hóa đọc ngày càng được quan tâm và lan tỏa ở các trường học trên địa bàn tỉnh.

Một tiết học đọc sách về danh nhân thế giới của học sinh Trường Tiểu học An Đồng.


Tú Anh