Chủ nhật, 10/11/2024, 05:33[GMT+7]

Giỗ Tổ Hùng Vương - hành trình từ tín ngưỡng dân gian thành Quốc lễ

Thứ 5, 18/04/2024 | 06:20:41
2,394 lượt xem
(baophutho.vn) Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Kết quả kiểm kê bước đầu năm 2005 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố, cả nước có 1.417 địa điểm thờ các Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời đại Hùng Vương dựng nước, trong đó tỉnh Phú Thọ có trên 300 di tích.

Thời đại phong kiến, Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được chính quyền nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp đứng ra tổ chức tại Đền Hùng. Theo dòng lịch sử, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” dù được hình thành dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay trên 2.000 năm (năm 258 trước Công nguyên). An Dương Vương “...do cảm kích trước việc nhường nước của Hùng Duệ Vương, công đức lớn như trời đất, bèn cử giá đến núi Nghĩa Lĩnh lập đền đài lấy làm nơi thờ tự của nước; dựng hai cột đá ở giữa núi, chỉ lên trời mà khấn rằng: Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi, nếu về sau các vua kế trị mà trái ước bội thể, thì búa giăng, rừu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước” (theo Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng - bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngày 15/2/2002). Tới thời Hồng Đức Hậu Lê, khi vua Lê Thánh Tông xác lập Nho giáo là hệ tư tưởng rường cột của quốc gia Đại Việt thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được chính thức hóa bằng pháp luật. Năm 1470, Vua sai Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố soạn “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Từ đây, Vua Hùng đã trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất. Song, việc thờ cúng Hùng Vương, nhà nước vẫn giao cho dân sở tại tổ chức. Ngọc phả ghi: “Từ Triệu Vũ (Triệu Đà) kế đến các triều Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến Hoàng triều ta, đều chuẩn y cung miếu điện, cùng làng Trung nghĩa của bản xã, là dân Tạo lệ đồng trà... đều giữ theo lệ cũ phụng thờ để làm thọ mạch nước, lưu tiếng thơm vạn đời, thịnh vượng thay!” (theo Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng - bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán nôm ngày 15/2/2002). 

Năm 1479, trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào chính sử. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ tư tưởng của văn hóa Việt Nam. Từ đây, Vua Hùng được tôn là Thánh Tổ; nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã xây dựng đền thờ Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Đền Hùng được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương và dân xã Hy Cương được ban là dân “Trưởng tạo lệ”. 

Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các địa phương vùng ven khu di tích.

Đầu thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn giao Bộ Lễ chính thức định ngày Quốc tế - Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Cũng tại văn bản này, Bộ Lễ đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng kỷ niệm gồm các quan liệt hiến trong tỉnh cùng các quan viên trong các phủ, huyện của tỉnh, phẩm phục, lễ nghi, lễ phẩm, số tiền do nhà nước cấp... để tổ chức Giỗ Tổ hàng năm. Như vậy, từ năm 1917, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành Quốc lễ. 

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; tu bổ, tôn tạo Đền Hùng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. 

Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, Chùa Thiên Quang được đại trùng tu. Các công trình kiến trúc thờ tự, quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn được xây dựng: Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn (2004), Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim (2007); bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại ngã 5 Đền Giếng (2001, 2022)... Như vậy, có thể thấy Đền Hùng là nơi thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” sớm nhất, quy mô nhất và tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhà nước đồng thuận, nhân dân đồng lòng đã bảo vệ, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa Hùng Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng mạnh.

  • Năm 1946, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương. 
  • Năm 1962, Đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia (đợt 1).
  • Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ nhà nước trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
  • Năm 2007, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
  • Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1272/QĐ- TTg ghi danh Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2012, UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
  • Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể (đợt 1). Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo baophutho.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày