Thứ 7, 23/11/2024, 14:11[GMT+7]

Kiến Xương: Sâu bệnh trên lúa xuân diễn biến phức tạp

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:21:27
1,452 lượt xem
Hiện nay, lúa xuân đại trà đang ở giai đoạn làm đòng, trà xuân sớm đang ở giai đoạn đòng già đến trỗ bông. Lúa sinh trưởng, phát triển tương đối tốt và đồng đều, tuy nhiên sâu bệnh đang gây hại, nhất là sâu cuốn lá nhỏ với mật độ sâu rất cao.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra mật độ sâu cuốn lá nhỏ tại xã Vũ Ninh (Kiến Xương).

Sâu cuốn lá nhỏ mật độ cao gấp 6 lần vụ xuân năm 2023 

Cùng đi với cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra mật độ sâu bệnh hại trên cánh đồng thôn Nam Sơn, xã Vũ Ninh (Kiến Xương), không khó để tìm thấy sâu với nhiều hình thái: trứng, sâu non tuổi 1, con trưởng thành. Ông Đặng Văn Vĩnh, thôn Nam Sơn cho biết: Đến nay, lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt nhưng trái lại sâu bệnh cũng rất nhiều. Gia đình tôi cấy một mẫu, lúa đang làm đòng, dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ trỗ bông. Qua kiểm tra đồng ruộng, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ và trứng rất nhiều. Đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể lơ là.

Tại huyện Vũ Thư cũng ghi nhận mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao, trung bình từ 100 - 300 con/m2, nơi cao 500 - 600 con/ m2; cá biệt lên tới 800 - 1.000 con/m2. UBND huyện đã ban hành công điện yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng của lúa xuân và mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh khác trên địa bàn; chủ động mọi vật tư thiết yếu phục vụ việc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ trong trường hợp sâu cuốn lá nhỏ có nguy cơ bùng phat thành dịch; tổ chức họp triển khai các nội dung về phòng, trừ sâu bệnh đến các thôn, tổ dân phố, các ban, ngành, đoàn thể cấp xã. Chỉ đạo các thôn thông báo, hướng dẫn nông dân đồng loạt phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ cho 100% diện tích lúa xuân từ ngày 29/4 - 3/5. 

Về tình hình sâu bệnh hại trên địa bàn toàn tỉnh, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ xuân năm nay, sâu cuốn lá nhỏ ra kéo dài và có mật độ cao hơn rất nhiều so với vụ xuân năm 2023 (gấp 6 lần) và trung bình nhiều năm. Lứa 1 sâu non nở rộ từ ngày 29/3 đến giữa tháng 4 gây hại cục bộ cho diện tích lúa trà sớm các huyện phía Bắc, diện tích xanh non, thừa đạm, vùng có mật độ cao của các huyện trong tỉnh. Lứa 2 trưởng thành ra từ ngày 18/4 - 5/5, sâu non nở từ ngày 25/4 - 12/5, trong đó trưởng thành ra rộ nhất từ ngày 22/4 - 27/4, sâu non nở rộ nhất từ ngày 29/4 - 4/5. Dự báo mật độ sâu non trung bình từ 200 - 300 con/m2; nơi cao 500 - 700 con/m2; cục bộ lên tới 1.000 con/m2. Đây là lứa sâu gây hại diện rộng, hại lá đòng và lá công năng trên các trà lúa xuân; đặc biệt ở diện tích lúa đại trà, lúa xanh non, lúa cấy muộn của các huyện sẽ có mật độ rất cao và gây hại nặng làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. 

Tập trung phòng, trừ từ 29/4 - 3/5 

Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Ninh (Kiến Xương) cho biết: Dự kiến toàn bộ diện tích lúa xuân của HTX sẽ trỗ tập trung ở trung tuần tháng 5. Đây là giai đoạn rất quan trọng, nếu không kiểm soát tốt, để sâu bệnh phát sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa cuối vụ. Thực tế qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy mật độ sâu cuốn lá lứa 2 đang rất cao, ngoài ra, rầy nâu, bệnh khô vằn cũng đã phát sinh và có nguy cơ gây hại. Do vậy, HTX đã thông báo rộng rãi tình hình sâu bệnh hại trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền thông qua các đoàn thể để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ phù hợp, bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách). Cụ thể, sẽ tập trung phun trừ đồng loạt sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 29/4 - 1/5. HTX cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư bảo đảm chất lượng để cung ứng cho bà con.

Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại trên đồng ruộng, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công điện về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, trong đó chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo, hướng dẫn nông dân đồng loạt phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ cho 100% diện tích lúa xuân từ ngày 29/4 - 3/5. Do mật độ sâu cuốn lá nhỏ rất cao nên sau phun thuốc lần 1 từ 3 - 5 ngày phải tổ chức phun thuốc lại lần thứ hai cho các diện tích lúa còn mật độ sâu non sâu cuốn lá nhỏ từ 20 con/ m2 trở lên. Ước diện tích phải phun lại lần 2 toàn tỉnh khoảng 60.000ha, tập trung ở trà lúa trỗ bông sau ngày 5/5. Đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ này cần kết hợp phòng, trừ rầy cho những diện tích có mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở lên; phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho khoảng 10.000ha lúa trỗ bông trước ngày 5/5/2024. 

Kỹ sư Phạm Thị Hằng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn: Thuốc trước khi phun cần được pha đều trong chai 0,5 - 1 lít đậy nắp, lắc đều cho tan sau đó mới pha vào bình và pha thêm nước cho đủ lượng nước thuốc cần phun. Khi phun thuốc phải phun xuôi theo chiều gió, đi chậm, phun kỹ các tầng lá lúa. Sau phun thuốc trong vòng 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại ngay theo đúng nồng độ hướng dẫn. 

Thuốc trước khi phun cần được pha đều trong chai 0,5 - 1 lít đậy nắp, lắc đều cho tan sau đó mới pha vào bình.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân và lãnh đạo các xã, phường, thị trấn, HTX DVNN thấy rõ tầm quan trọng của đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 29/4 - 3/5 có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ kết quả sản xuất vụ xuân; tổ chức kiểm tra chặt chẽ tình hình kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày