Chủ nhật, 17/11/2024, 20:18[GMT+7]

Ngọn đuốc soi sáng con đường đấu tranh cách mạng ở Đông Dương

Thứ 7, 27/04/2024 | 09:27:58
1,630 lượt xem
Hiệp định Geneva đã mở ra giai đoạn mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương.

Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Geneve về Đông Dương, ngày 8/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

70 năm đã trôi qua kể từ khi được ký kết, nhưng những dấu ấn về Hiệp định Geneva vẫn in đậm trong trái tim nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024), các nhà ngoại giao khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định.

Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh: Dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Sự kiện ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn của nhân dân ba nước Đông Dương nhằm giành được hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.

Việc ký kết Hiệp định là chiến thắng vĩ đại, khi thực dân Pháp và các nước tham gia Hội nghị Geneva lần đầu cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước Đông Dương.

Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. 

Đồng thời, việc ký kết Hiệp định cũng thể hiện rõ lòng yêu nước cao cả, đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Trước năm 1954, thực dân Pháp đã tiến hành nhiều hình thức trấn áp nhằm dập tắt phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại ba nước Đông Dương, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh.

Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược tại ba nước Đông Dương diễn ra vô cùng gian khổ, song kiên cường và đã từng bước giành được thắng lợi, với dấu ấn quan trọng là Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 của Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp hạ vũ khí, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva.

Bài học về đàm phán tại Hội nghị Geneva và Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt phong trào đấu tranh giải phóng hoàn toàn ba nước Đông Dương. 70 năm đã trôi qua, song giá trị và bài học từ việc ký kết Hiệp định Geneva vẫn giữ nguyên giá trị đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước tại Lào, Việt Nam và Campuchia.

Tình hình khu vực và thế giới hiện nay tiếp tục bất ổn, diễn biến phức tạp và khó lường, tạo ra nhiều thách thức đối với an ninh và phát triển tại các nước trên thế giới, trong đó có Lào, Việt Nam và Campuchia.

Chúng ta đã cùng nhau đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trong quá khứ, nay sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời góp phần quan trọng vào thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha: Sát cánh bên nhau trong tiến trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn để chúng ta nhớ lại thời kỳ kháng chiến và những tấm gương kiên cường của các anh hùng quân đội giải phóng Việt Nam đã chiến đấu giành lại nền độc lập từ chế độ thực dân.

Trong giai đoạn phong trào đấu tranh giành độc lập diễn ra sôi nổi trên khắp Đông Dương, ba nước Campuchia, Việt Nam, Lào đã đoàn kết, sát cánh bên nhau cùng chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước.

Sự nỗ lực đó đã dẫn đến việc Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Đông Dương được ký kết với ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Hội nghị Geneva đã ra tuyên bố cuối cùng khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc lập lại hòa bình trong khu vực.

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha.

Sau khi ký Hiệp định Geneva, Campuchia, Việt Nam và Lào tiếp tục đối mặt những thách thức khó lường. Tuy nhiên, ba nước đã kề vai sát cánh và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp thống nhất, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội.

Thay mặt Chính phủ Hoàng gia, nhân dân Campuchia, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng vào năm 1979; hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế-xã hội; hợp tác chặt chẽ với Campuchia trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có việc ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022.

Campuchia, Việt Nam và Lào là những nước láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Ngày nay, ba nước chúng ta đã bước sang một trang mới, cùng tự tin tiến lên, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác quốc tế, cũng như phát triển kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày