Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Phó giáo sư nghiên cứu hormone điều trị vô sinh

Thứ 2, 29/04/2024 | 19:31:23
1,153 lượt xem
PGS. TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp và cộng sự đã nghiên cứu thành công hormone eCG và hFSH tái tổ hợp với một liều tiêm duy nhất cho cả quá trình hỗ trợ sinh sản.

PGS TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp trong phòng thí nghiệm ở Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai loại hormone gonadotropin tái tổ hợp mới, hFSH (human Follicle Stimulating Hormone) và eCG (equine Chorionic Gonadotropin) do PGS. TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trường Đại học Quy Nhơn và cộng sự nghiên cứu với mục tiêu hỗ trợ sinh sản cho người và động vật.

PGS Mộng Điệp cho biết, tháng 11/2020 nhóm nghiên cứu của chị nhận được tài trợ cho dự án "Sản xuất các gonadotropin chuỗi đơn để điều trị sinh sản" từ Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF). Bắt tay nghiên cứu, đến tháng 4/2024, nhóm tạo thành công cho ra đời hai loại hormone eCG và hFSH, được chứng minh có hiệu quả sinh học gần tương đương hormone tiêu chuẩn.

"Ưu điểm của hai loại hormone là thời gian bán hủy lâu trong cơ thể, chỉ cần tiêm một liều duy nhất là đủ cho toàn bộ quá trình điều trị", PGS Mộng Điệp cho biết. Nhóm đã hoàn thiện quy trình sản xuất bao gồm các công đoạn thiết kế, khuếch đại plasmid, biểu hiện trên tế bào, tinh sạch, phân tích hoạt tính sinh học tại phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên mô hình động vật có vú.

Chị cho biết Hormone gonadotropin tự nhiên đã được sử dụng một thời gian dài trong điều trị vô sinh ở người và động vật như hFSH, hLH, hCG, eCG (PMSG). Song, vì các vấn đề vệ sinh và đạo đức, việc sản xuất và cung cấp các hormone gonadotropin tự nhiên khó khăn hơn. Nguồn cung cấp khan hiếm cùng với chi phí vận chuyển cao khiến giá thành của các hormone gonadotropin tự nhiên tăng, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng chúng trong điều trị vô sinh ở người hoặc kiểm soát sinh sản ở động vật.

Một số hãng dược phẩm lớn đã nghiên cứu sản xuất hormone gonadotropin tái tổ hợp nhằm thay thế nguồn hormone tự nhiên. Nhiều sản phẩm hFSH tái tổ hợp dạng wild-type có cấu trúc heterodimeric đã được bán trên thị trường, tuy nhiên chúng có thời gian bán hủy nhanh. Hiện sản phẩm duy nhất trên thị trường Corifollitropin alfa được sản xuất bởi công ty dược phẩm MSD (Merck & Co) của Mỹ, hay còn được gọi là Elonva là một loại hFSH tái tổ hợp có thời gian bán hủy dài và chỉ tiêm một liều cho cả quá trình hỗ trợ sinh sản ở người.

Hai loại hormone hFSH và eCG chuỗi đơn tái tổ hợp từ dự án của PGS Mộng Điệp và cộng sự cũng sử dụng một liều tiêm duy nhất cho cả quá trình hỗ trợ sinh sản. Sản phẩm đã đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, mang đến giải pháp điều trị vô sinh hiệu quả, bền vững và dễ tiếp cận hơn so với các sản phẩm truyền thống, giảm gánh nặng thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh.

PGS Mộng Điệp cho biết, dự án đã hoàn tất giai đoạn nghiên cứu in vitro (trong ống nghiệm) và thử nghiệm trên chuột Wistar nhập từ Đài Loan. Đơn vị nghiên cứu đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, việc thử nghiệm lâm sàng trên người chưa được thực hiện do giới hạn trong phạm vi dự án hiện tại. "Đây là bước tiếp theo cần triển khai để hoàn thiện công nghệ sản xuất gonadotropin chuỗi đơn phục vụ điều trị sinh sản ở người", PGS Mộng Điệp nói.

Tại hội thảo khoa học tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn gần đây, các chuyên gia đã đánh giá cao tiềm năng và hiệu quả của hai loại hormone tái tổ hợp hFSH và eCG dạng chuỗi đơn trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Những hormone này được cho có thể hỗ trợ đáng kể khả năng thụ thai ở cả người và động vật. Đặc biệt, eCG tái tổ hợp có ứng dụng quan trọng trong nâng cao sinh sản gia súc. Đây là nghiên cứu đột phá, có tiềm năng thương mại hóa cao, góp phần nâng tầm Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

TS Huỳnh Gia Bảo, chuyên gia về kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM), hy vọng dự án nghiên cứu hormone tái tổ hợp hỗ trợ sinh sản này sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận, giảm chi phí điều trị cho người bệnh Việt Nam, đặc biệt tại vùng xa xôi. Với dự án tiềm năng và ứng dụng thực tế cao do người Việt thực hiện, ông tin tưởng mở rộng cơ hội sinh con cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

PGS TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp hiện là Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp tại Trường ĐH Quy Nhơn. Chị đang hợp tác nghiên cứu với Viện nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường quốc gia Pháp (INRAe), dành 3-6 tháng mỗi năm làm việc tại đây cùng các chuyên gia hàng đầu về y sinh. Mục tiêu của chị là mở phòng thí nghiệm tại trường để vừa nghiên cứu vừa giảng dạy.

Gần đây, PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp đã trở thành người Việt Nam duy nhất đạt tiêu chuẩn giáo sư tại Pháp năm 2024, đồng thời nằm top 3 ứng viên xuất sắc cho 3 vị trí chuyên ngành: Sinh lý học (Physiologie), Hóa sinh và sinh học phân tử (Biochimie et biologie moléculaire) và Sinh học cơ thể (Biologie des organismes).

Theo vnexpress.net