Thứ 7, 23/11/2024, 14:29[GMT+7]

“Trái ngọt” ven sông Kỳ 3: Đất bãi “hái’ ra tiền

Thứ 4, 22/05/2024 | 07:47:27
16,902 lượt xem
Từ “cú hích” cơ chế hỗ trợ của các cấp, các ngành, vùng đất bãi ven sông huyện Hưng Hà nay đã “thay da đổi thịt”, khoác lên mình diện mạo mới. Những người nông dân trước kia “chân lấm, tay bùn” nay đang từng bước trở thành “nông dân số”. Không chỉ đổi mới tư duy sản xuất, họ còn vươn lên làm chủ công nghệ, phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới trên vùng đất bãi quê hương.

Anh Phạm Văn Hưng, tỉnh Hải Dương tích tụ 10ha đất bãi tại xã Điệp Nông trồng cà rốt xuất khẩu.

Triệu phú trên vùng đất bãi

8 năm bám vùng đất bãi ven sông Hồng cũng là bằng ấy thời gian, anh Trần Xuân Tâm, thôn Tân Hòa, xã Tân Lễ gắn bó với mô hình trồng cây dưa lưới trong nhà màng. Từ 430m2 ban đầu, đến nay diện tích trồng dưa của anh Tâm đã tăng lên 7.000m2. Trung bình mỗi năm anh Tâm thu về gần 60 tấn quả, sau khi trừ các chi phí sản xuất lợi nhuận được trên 500 triệu đồng. Khởi nghiệp từ một cây trồng hoàn toàn mới theo công nghệ hiện đại, mô hình của anh Tâm đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. 

Anh Tâm tâm sự: Năm 2015, tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao, lúc đó ở miền Bắc có rất ít mô hình này. Vụ dưa đầu tiên thất bại nhưng cũng từ thất bại đó đã giúp tôi có kinh nghiệm sản xuất ở những vụ sau. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chi phí ban đầu rất lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện nay, ngoài dưa lưới tôi còn đầu tư trồng hoa tuylip, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây hoa và 100.000 củ giống, cây mầm. Riêng hoa tuylip mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Trang trại của tôi còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Được xem là người “giải cứu” đất bãi bỏ hoang, anh Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX SXKD Anh Vũ, xã Hồng Minh hiện đang thuê, mượn khoảng 25ha diện tích đất bãi trồng lúa, cây công trình và rau màu... Để “vận hành” mô hình, anh Vũ đã đầu tư 2 tỷ đồng mua máy làm đất, máy cấy, máy bón phân và xây dựng hệ thống tưới nước tự động... Đến nay, anh đã quy hoạch thành 4 vùng sản xuất tập trung, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động. 

Anh Vũ chia sẻ: Huyện Hưng Hà tạo điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó giúp nông dân bắt nhịp với nền nông nghiệp hiện đại từ cây trồng chủ lực. Thời gian tới, tôi tiếp tục gieo trồng theo hướng tập trung, xây dựng mã vùng từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, xây dựng thương hiệu nông sản sạch ở địa phương.

Không chỉ có anh Tâm, anh Vũ, vùng đất bãi ven sông ở Hưng Hà còn biết đến là thủ phủ chăn nuôi với hàng chục mô hình nuôi lợn, bò thương phẩm với quy mô lớn. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Trần Hữu Phượng, thôn Hữu Tiến, xã Hồng An được xây dựng từ năm 2012 trên diện tích 9 mẫu đất bãi. Anh Phượng đã đầu tư xây dựng 3 khu chăn nuôi riêng biệt với 70 con bò thương phẩm; 300 - 400 con lợn thịt; khu trồng nhãn, vải thiều, ngô sinh khối... 

Anh Phượng cho biết: Tiếc đất phù sa màu mỡ không canh tác dẫn tới hoang hóa nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình để xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung và cây ăn quả. Việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ban đầu gặp nhiều khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn đầu tư còn hạn chế, dịch bệnh đến bất ngờ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương khi tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt nên hoạt động chăn nuôi, trồng trọt dần vào ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế. Mỗi năm từ mô hình này, gia đình tôi thu lãi 300 - 400 triệu đồng.

Thu hút doanh nghiệp từ tỉnh ngoài

Không chỉ khuyến khích người dân sở tại tham gia sản xuất, phát triển vùng đất bãi ven sông, huyện Hưng Hà đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, HTX đến đầu tư phát triển vùng sản xuất công nghệ cao, từng bước góp phần đưa nông nghiệp Hưng Hà trở thành khu vực trọng điểm của tỉnh.

Anh Phạm Văn Hưng, tỉnh Hải Dương là 1 trong 7 hộ dân thuê đất bãi ở xã Điệp Nông để trồng cây màu theo mô hình công nghệ cao. Trong số 50ha đất bãi, gia đình anh đã mạnh dạn thuê 10ha để đầu tư trồng cà rốt. Qua 4 năm triển khai, đến nay mô hình của anh mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Mỗi năm, từ mô hình trồng cà rốt, anh Hưng thu lãi trên 1 tỷ đồng. Hiện mỗi sào cà rốt anh thu được một tấn với giá bán từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tại ruộng. 

Anh Hưng chia sẻ: Tính ra mỗi sào tôi thu lãi 4 - 5 triệu đồng. So với các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc thì cà rốt mang lại hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần. Tôi cũng mạnh dạn đầu tư máy làm đất, máy gieo hạt, hệ thống tưới nên giảm được ngày công, giống, phân bón, nguồn thu nhập cao và ổn định hơn, đặc biệt trồng đến đâu được thương lái đến tận ruộng thu mua đến đó.

Mô hình trồng hòe và đu đủ lấy hoa của HTX Thái Dương Xanh tại thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Năm 2021, HTX Thái Dương Xanh, tỉnh Hải Dương đã mạnh dạn thuê 50 mẫu đất bãi của các hộ dân xã Hồng Minh để đưa cây dược liệu như cây hòe, cây đu đủ lấy hoa vào trồng. 

Ông Trần Văn Thản, Giám đốc HTX Thái Dương Xanh chia sẻ: Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng thuê ruộng, mua giống, thuê công nhân, mua máy móc để thực hiện mô hình này. Qua gần 3 năm canh tác, mỗi năm chúng tôi thu được 12 - 15 triệu đồng/ sào với giá hòe khô đạt gần 200.000 đồng/kg, hoa đu đủ đực giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40 lao động tại địa phương.

Còn anh Ngô Quang Dương, thành phố Hưng Yên hiện thuê đất gieo trồng 14 mẫu cà rốt và ngô ngọt tại vùng đất bãi Hồng Minh. Qua 4 năm triển khai, đến nay mô hình của anh mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/ người/tháng. 

Anh Dương chia sẻ: Tính ra mỗi sào tôi thu lãi 2 - 3 triệu đồng. So với trồng lúa thì cà rốt mang lại hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần. Tôi cũng mạnh dạn đầu tư máy làm đất, máy gieo hạt, hệ thống tưới nên giảm được ngày công, giống, phân bón, nguồn thu nhập cao và ổn định hơn.

Chuyển đổi cây trồng trên vùng đất bãi đã mang lại sức sống mới, không chỉ đất đai được khai thác hiệu quả mà người nông dân cũng hình thành tư duy năng động, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng với yêu cầu thị trường. Vì thế, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ trong hành trình hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững của huyện Hưng Hà.

Hiện nay, giá trị sản xuất của các mô hình ở vùng đất bãi cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa, chiếm 25% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.


Thanh Thuỷ 

(còn nữa)