Thứ 2, 18/11/2024, 11:22[GMT+7]

Ðội chèo làng tôi

Thứ 2, 12/10/2015 | 09:38:59
1,448 lượt xem
Một thời gian khá dài, người ta quên mất danh tiếng đội chèo làng La Ðiền, mỗi khi nhắc lại hai câu thơ của nhà báo Xuân Tình: Muốn nghe tiếng hát trong ngần, Về đội văn nghệ Tự Tân xem chèo..., thì người ta lại thở dài, nuối tiếc.

Chiếu chèo gia đình ông Tô Hữu Thăng (xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương). Ảnh: Anh Tú.

 

“Muốn nghe tiếng hát trong ngần

Về đội văn nghệ Tự Tân xem chèo...”

 

Ðấy là hai câu thơ trong bài thơ “Quê tôi ở huyện Thư Trì” của cố nhà thơ, nhà báo Xuân Tình. Theo lời thơ ấy, lần tìm về những tháng năm xưa, nghe mọi người kể chuyện mới biết: Tự Tân thuở ấy có một đội chèo được cả vùng mến mộ. Tiếng là của Tự Tân nhưng thực chất đây là đội chèo của làng La Ðiền.

 

La Ðiền là một làng lớn trong bốn làng của xã Tự Tân. Làng La Ðiền (còn gọi là thôn La Ðiền) có bốn xóm nhỏ là Nam Long, Ðông An, Bắc Sơn, Kiều Mộc. Những người yêu mến nghệ thuật chèo cổ như ông Hịnh, ông Vá, ông Trất, ông Cải, ông Giảm, ông Nhơn, cô Kị, cô Tho... bàn với nhau lập một đội chèo. Ðội chèo làng La Ðiền ra đời từ hai bàn tay trắng, quỹ hoạt động do đội viên đóng góp, dân làng ủng hộ. Mọi người trong làng thấy đội chèo “làm ăn được” nên cũng bỏ tiền “đỡ đầu” anh chị em may sắm quần áo, mua nhạc cụ, son phấn, phông màn biểu diễn. Ban ngày thì nai lưng ra làm trên đồng ruộng, vất vả, nhọc nhằn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ấy thế mà tối đến họ lại tập trung tại sân nhà đội trưởng để tập hát. Nhà ông Hịnh có vườn chè rất tốt, tối nào ông cũng nấu một nồi nước chè xanh để anh em diễn viên, nhạc công và bà con đến xem uống cho đỡ khát. Những vở diễn của đội toàn là chèo cổ, như “Kim Vân Kiều”, “Lã Bố hý Ðiêu Thuyền”, “Tấm Cám”, “Lên Tháp Bạc lấy hạt Minh Châu”, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”. Mỗi vở diễn trọn một đêm. Ông Vá, ông Cải thường thủ các vai Lưu Bình, Dương Lễ, vua, quan, hoàng tử; ông Trất đóng hề, cu Sứt, cậu Cả khoèo, chọc cho người xem cười đến nghiêng ngả. Ông Giảm đóng giả gái Ðiêu Thuyền, không ai chê được. Ðiều đặc biệt là cả nam và nữ diễn viên của đội chèo làng La Ðiền đều có giọng hát chèo rất tuyệt. Tròn vành, rõ chữ, đúng nhịp phách, các chiếng chèo làng bạn đều khen. Ông Khiêm kéo nhị, tất cả diễn viên đều biết đánh trống đế, trống cơm, thổi sáo trúc, đánh đàn nguyệt, đàn tam... Các vị tự rủ nhau đi học ở các chiếng chèo làng bên, có người thuê thầy về nhà dạy kéo nhị, đánh đàn, gõ trống. Trước buổi diễn thế nào cũng có một chầu trống hội và màn hát trong hậu trường bằng làn điệu chèo “Vỡ nước” để gây không khí. Chèo sân đình diễn trên sân khấu trống ba mặt. Ðang đi bừa ngoài ruộng, nghe ông đội trưởng bảo: Tối nay diễn góp vui ở làng bên, thế là tháo ách thả trâu, vác bừa về nhà, thay áo quần, húp vội bát cháo loãng vợ đưa cho rồi tất tưởi đến chỗ tập trung, quẩy hòm đồ nghề đi diễn. Ôi, sao hồi đó các cụ say văn nghệ đến vậy? Không thù lao, không một xu cát-xê bồi dưỡng, không cần gì cả, chỉ cần được lên sân khấu diễn chèo, phục vụ nhân dân là vui sướng lắm rồi. Ðội chèo làng tôi hồi ấy là thế.

 

Bẵng đi một thời, nam nữ diễn viên, nhạc công của đội chèo làng tôi người thì đi bộ đội, vào du kích đánh giặc cứu nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Cụ Hồ, người thì bận mải với công nọ, việc kia... Ðội chèo làng La Ðiền tự nhiên tan rã. Nhạc cụ, đạo cụ, trang phục, mũ mão, cân đai của vua quan... được cụ Lý Sỳ đưa vào hậu cung đình Cây Trôi cất giữ. Ðình Cây Trôi của làng tôi là nơi luyện quân, là kho thóc Nghĩa Thương của Việt Minh, là trụ sở Ủy ban hành chính kháng chiến của xã nên giặc đốt đình, đốt luôn cả sản nghiệp của đội chèo.

 

Khi đất nước đã yên bình, một số người phục viên, xuất ngũ về làng, dựng lại đội chèo, không diễn các tích cổ xưa mà diễn những vở mới như “Vườn cam”, “Nghĩa tình đồng đội”...Do một số người làm nhạc đã mất, do không có mấy người tâm huyết tài trợ, không có kinh phí để mua sắm quần áo, đạo cụ biểu diễn và do một số thanh niên tham gia đội chèo với mục đích không trong sáng nên “tuổi thọ” của đội chèo dựng lại không dài lắm, mấy năm sau thì giải tán.

 

Một thời gian khá dài, người ta quên mất danh tiếng đội chèo làng La Ðiền, mỗi khi nhắc lại hai câu thơ của nhà báo Xuân Tình, thì người ta lại thở dài, nuối tiếc. May thay, những năm gần đây, phong trào văn nghệ quần chúng ở khắp nơi phát triển mạnh. Những câu lạc bộ văn nghệ của thanh niên, phụ nữ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh...thi nhau ra đời. Người mê chèo còn nhiều lắm. Người muốn dựng lại đội chèo làng La Ðiền cũng còn nhiều lắm. Tuy nhiên, làng La Ðiền, thôn La Ðiền  ngày xưa đã thuộc về dĩ vãng. Từ ngày chuyển xóm thành thôn thì thôn La Ðiền được tách ra thành 4 thôn: Nam Long, Bắc Sơn, Kiều Mộc, Ðông An (tên của thôn là tên của xóm). Mỗi thôn có một đội văn nghệ tổng hợp, diễn đủ kiểu: ca nhạc mới, chèo, cải lương, kịch câm, kịch nói... nhưng không diễn được vở dài, mỗi tiết mục chỉ ngắn gọn dăm mười phút. Nhạc không có, phải thuê hoặc “ghi băng, hát nhép”, quần áo biểu diễn cũng phải đi thuê, đi mượn. Có đội thì cất công mời đạo diễn của tỉnh, của huyện về dạy múa, có đội thì dàn dựng tiết mục theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Những đêm liên hoan, những đêm hội làng, đội văn nghệ quần chúng của thôn diễn xen với đội văn nghệ do ban tổ chức lễ hội mời về theo hình thức “giao lưu văn nghệ”.

 

Người dân làng tôi bảo nhau: “Giá có được đội chèo của làng như mấy chục năm về trước, giá có được những người nhiệt huyết như ông Hịnh, ông Trất... ngày xưa”. Chữ “giá” thật nhiêu khê. Chỉ cần người đứng đầu xã, người đứng đầu ngành văn hóa địa phương thực sự quan tâm, làm tốt công tác khuyến khích, động viên, làm tốt công tác dân vận thì việc khôi phục nghệ thuật chèo ở miền quê đã được mệnh danh là “nơi có tiếng hát trong ngần” đâu có khó?

 

Cao Bá Khoát

Tự Tân, Vũ Thư

  • Từ khóa