Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Ðình Giong (1/6/1904 - 1/6/2024) Người cán bộ trung kiên, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng
Sớm giác ngộ thành chiến sĩ cách mạng năng động
Ðồng chí Hoàng Ðình Giong (có các bí danh Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Ðức, Vũ Ðức, Lê Minh, Cụ Vũ), sinh ngày 1/6/1904, là người dân tộc Tày, quê gốc ở làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, sau chuyển sang thôn Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay thuộc phường Ðề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).
Tuổi niên thiếu, Hoàng Ðình Giong thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước. Ðầu năm 1926, khi học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội), Hoàng Ðình Giong tích cực tham gia các hoạt động yêu nước, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Trở về Cao Bằng, Hoàng Ðình Giong nhiệt huyết, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng tại quê hương.
Năm 1927, Hoàng Ðình Giong bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và cùng các đồng chí xây dựng cơ sở cách mạng, truyền bá tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và được chính thức kết nạp vào Hội trong năm 1928.
Tháng 12/1929, Hoàng Ðình Giong được kết nạp vào Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Khi chi bộ hải ngoại ở Long Châu (Trung Quốc) thành lập, đồng chí Hoàng Ðình Giong được bầu làm Bí thư. Những năm 1930-1931, chính quyền thực dân khủng bố khốc liệt, nhiều tổ chức đảng bị tan vỡ. Trong những năm 1932-1935, đồng chí Hoàng Ðình Giong tích cực khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh và chắp nối liên lạc với các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ.
Ðồng chí Hoàng Ðình Giong cùng chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng ở Cao Bằng, xuất bản báo Cờ đỏ. Với những nỗ lực không mệt mỏi của đồng chí Hoàng Ðình Giong, Cao Bằng đã trở thành một trong những đầu mối vững chắc, chắp nối liên lạc giữa Ban Chỉ huy ở ngoài của Ðảng với các đồng chí đang hoạt động trong nước ở các tỉnh miền bắc. Các chi bộ Ðảng dần được tái lập và trở lại lãnh đạo phong trào đấu tranh. Từ một chi bộ Ðảng năm 1930, đến năm 1935, Cao Bằng có 10 chi bộ hoạt động ở năm huyện Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình và mỏ thiếc Tĩnh Túc, với hơn 70 đảng viên.
Tháng 3/1935 đồng chí Hoàng Ðình Giong là trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ dự Ðại hội lần thứ I của Ðảng tại Ma Cao (Trung Quốc). Ðồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương (khóa I), được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Ngày 4/2/1936, đồng chí Hoàng Ðình Giong bị bắt ở Hải Phòng. Sự tra tấn, mua chuộc của thực dân không khuất phục được ý chí kiên cường của nhà lãnh đạo trẻ. Ðồng chí đã trải qua nhiều nhà tù đế quốc: Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang). Giữa năm 1941, chính quyền thực dân đưa Hoàng Ðình Giong sang nhà tù ở đảo Madagascar (thuộc địa của Pháp). Bị giam cầm ở đảo xa xôi, đồng chí Hoàng Ðình Giong phát huy kinh nghiệm, khôn khéo tranh thủ lực lượng Ðồng Minh, tìm được cơ hội trở về Tổ quốc tiếp tục góp sức cho cuộc đấu tranh cách mạng.
Ðầu năm 1944, trên chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, phát-xít Nhật đã mất thế tấn công, lui về phòng thủ. Bộ Tư lệnh Anh ở Ấn Ðộ triển khai kế hoạch tung một số lực lượng chống Nhật người bản xứ xuống những thuộc địa của Anh, Pháp bị Nhật chiếm để chuẩn bị cho những chiến dịch của Ðồng Minh tiến công quân Nhật. Những người được Bộ Tư lệnh Anh chọn đều là những người tù cộng sản. Họ được đánh giá có tinh thần chiến đấu, có quyết tâm cao, nghị lực và tư cách đạo đức tốt. Nhóm tình báo được lựa chọn gồm bảy chiến sĩ cộng sản đang bị lưu đày gồm Hoàng Ðình Giong, Dương Công Hoạt, Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), Lê Giản (Tô Gi), Trần Hiệu (Vũ Văn Ðịch), Nguyễn Văn Minh (Nguyễn Văn Phòng), Nguyễn Văn Ngọc.
Với tinh thần yêu nước cháy bỏng, các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đang chịu án lưu đày biệt xứ đã tranh thủ tận dụng cơ hội hiếm có để trở về Tổ quốc. Họ được đưa sang Ấn Ðộ để huấn luyện nhảy dù, được đào tạo về cách thu thập tin tức, cách liên lạc bằng điện đài và cách dùng mật mã. Cả bảy người đã hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện, gây ngạc nhiên cho các sĩ quan Anh. Nhóm nhảy dù đầu tiên gồm Lê Giản và Hoàng Ðình Giong đổ bộ xuống vùng ven thị xã Cao Bằng trong tháng 10/1944. Khoảng một tháng sau, Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam đáp xuống cánh đồng Khau Tòng, làng Khau Ðồn (Cao Bằng). Ðầu năm 1945, nhóm thứ ba gồm Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Minh nhảy dù xuống vùng Chương Mỹ. Bảy chiến sĩ đã khôn khéo, mưu trí lợi dụng âm mưu của địch trong một hoàn cảnh đặc biệt để trở về Tổ quốc an toàn, được nhân dân bao bọc, che chở và bắt được liên lạc với tổ chức đảng ở trong nước.
Người cán bộ quân sự vững vàng
Ngay sau khi trở về Tổ quốc, liên lạc được với Ðảng, đồng chí Hoàng Ðình Giong bắt nhịp hoạt động ngay với phong trào tiến đến Tổng khởi nghĩa đang sôi động trong cả nước. Ðầu năm 1945, đồng chí Hoàng Ðình Giong tích cực xây dựng phong trào cách mạng tại căn cứ địa Cao Bằng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền nhân dân ở nhiều nơi. Ðồng chí Hoàng Ðình Giong chỉ huy du kích tiễu phỉ ở Háng Tháng (huyện Thông Nông, Cao Bằng) và lãnh đạo nhân dân bắt đầu xây dựng chính quyền và cuộc sống mới ở những nơi đã khởi nghĩa từng phần thành công. Khi thời cơ đến, tháng 8/1945, đồng chí là Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Cao Bằng, trực tiếp chỉ đạo Tổng khởi nghĩa tại Nước Hai, châu lỵ Hòa An và lãnh đạo giành chính quyền trong cả tỉnh Cao Bằng ngày 20-22/8/1945.
Chỉ hai tuần sau ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn nhằm thực hiện âm mưu cai trị thực dân xứ Ðông Dương một lần nữa. Ngày 30/9/1945, đồng chí Hoàng Ðình Giong được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ huy đoàn quân Nam tiến, hỗ trợ quân và dân Nam Bộ kháng chiến chống xâm lược. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Ðình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bí danh mới là Võ Văn Ðức.
Tại Khu IX, đồng chí Hoàng Ðình Giong cùng với Liên Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy chiến khu đề ra những chủ trương đúng đắn, chỉ huy các mặt trận chiến đấu chặn bước tiến của quân Pháp. Ðồng chí Hoàng Ðình Giong sâu sát phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng và thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ, xây dựng căn cứ địa U Minh, chăm lo củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo. Ðồng chí Hoàng Ðình Giong đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng người dân Nam Bộ, nhất là với đồng bào Khmer. Ðồng bào, đồng chí thân mật và kính trọng gọi đồng chí Hoàng Ðình Giong là "Cụ Vũ" (lúc đó đã đổi bí danh là Vũ Ðức).
Cuối tháng 11/1946, đồng chí Hoàng Ðình Giong lên đường ra bắc nhận nhiệm vụ mới. Khi đến Ninh Thuận, đồng chí được Trung ương phân công ở lại làm Khu Bộ trưởng Khu VI. Ở đây, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng bộ đội chính quy cho kháng chiến, củng cố Trung đoàn 81 (ở Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (ở Bình Thuận), huấn luyện chiến thuật du kích cho lực lượng vũ trang Khu VI, cùng với Ðảng bộ Ninh Thuận, Bình Thuận lãnh đạo toàn dân đánh giặc, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến. Trong một trận chiến đấu quyết liệt ở Chiến khu 7 tại mặt trận Ninh Thuận, năm 1947, đồng chí Hoàng Ðình Giong anh dũng hy sinh, để lại niềm tiếc thương trong đồng chí, đồng bào.
Ðồng chí Hoàng Ðình Giong hy sinh ở tuổi 43 nhưng đã có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Ðảng và cách mạng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng