Chủ nhật, 10/11/2024, 09:52[GMT+7]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận cao với nội dung chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thứ 3, 11/06/2024 | 19:04:27
2,070 lượt xem
Chiều 11/6, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp chiều 11/6. (Ảnh: DUY LINH).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương, 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 7.

Về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều. Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.

Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy và xây dựng công trình được phép xây dựng theo pháp luật về đê điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Đồng thời, giao UBND thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND thành phố quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần tham vấn ý kiến các Bộ chuyên môn thì thành phố sẽ chủ động thực hiện mà không quy định thành thủ tục bắt buộc trong Luật, các cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Phân cấp mạnh về quản lý tài sản công, thử nghiệm có kiểm soát

Về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cho phép mở rộng các công trình, hạng mục công trình là tài sản công trên địa bàn thành phố Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan trung ương cũng có thể áp dụng cơ chế nhượng quyền khai thác, quản lý như đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Cùng với đó, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được quy định trong Luật. Tuy nhiên, không mở rộng áp dụng quy định này đối với đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan trung ương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội (ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thấy rằng, thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thực hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới chưa được pháp luật quy định hoặc có quy định của pháp luật nhưng không còn phù hợp nên nếu phải áp dụng toàn bộ các quy định hiện hành thì sẽ không thể thực hiện được.

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Để quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phát huy hiệu quả trên thực tế, bảo đảm tính khả thi, tạo sự chủ động cho thành phố, cần cho phép HĐND thành phố, trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát, có quyền cho miễn áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm như tại dự thảo Luật.

Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, dự thảo Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất.

Ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp quản lý hành chính

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận cao với các nội dung chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Báo cáo đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị; đồng thời, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phát biểu tại phiên họp, thống nhất với báo cáo của Ủy ban Pháp luật, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, chỉ còn một số vấn đề mang tính kỹ thuật cần hoàn thiện. Trong đó, về áp dụng pháp luật, trường hợp chưa có quy định cụ thể mà việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hà Nội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Đối với quy định được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Phó Thủ tướng bày tỏ thống nhất với việc sau khi chỉnh lý, quy định này được chuyển từ biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sang biện pháp quản lý hành chính.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, vấn đề trên cực kỳ bức xúc trong thực tiễn.

“Đối với các công trình đang thi công có vi phạm như quá tầng, không được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy thì cách tốt nhất để dừng lại là cắt điện, nước, không cho thi công”, ông Trần Sỹ Thanh nói. Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị quy định trong Luật trên tinh thần giao cho thành phố quyền ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và người có thẩm quyền mới được ra quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ ủng hộ quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị, cần quy định thành phố Hà Nội được quyền áp dụng một số biện pháp hành chính mạnh hơn trong trường hợp bất khả kháng để quản lý tốt hơn, thực hiện đúng các quy hoạch phát triển Thủ đô.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí rất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô (sửa đổi). Còn một số vấn đề kỹ thuật, cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra hoàn thiện, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội để hoàn chỉnh báo cáo, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày