Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Quốc hội đồng ý các luật về bất động sản có hiệu lực trước 5 tháng

Thứ 7, 29/06/2024 | 16:37:21
593 lượt xem
Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và hai điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật. (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 29/6, tại Kỳ họp thứ 7, với 404/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, các luật được cho là sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và hai điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội.

Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Quốc hội cho phép các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà chưa được giao đất, cho thuê đất thì được tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, chủ đầu tư theo quy định của Luật này.

Quy định trên áp dụng cho 2 trường hợp: dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư từ ngày 1/7/2014 đến trước ngày 1/8/2024; hoặc dự án mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/8/2024 và đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/1/2025.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư đối với dự án quy định tại điểm này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu có hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ.

Quốc hội cũng bãi bỏ Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế từ ngày 1/1/2025.

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật, điều chỉnh hiệu lực của 4 luật, tuy nhiên, băn khoăn việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua. (Ảnh: DUY LINH).

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên hiệu lực của các luật từ ngày 1/1/2025 để thời gian từ nay đến ngày 1/1/2025, các cơ quan tập trung xây dựng các nghị định, thông tư một cách kỹ lưỡng, chất lượng và các địa phương được tiếp cận với các Nghị định, Thông tư đó để xây dựng các văn bản hướng dẫn của địa phương.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc chọn thời điểm có hiệu lực của các luật là từ ngày 1/8/2024. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm với đề xuất đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, Chính phủ khẳng định, trường hợp Quốc hội thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 thì vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 1/8/2024 khi luật này được Quốc hội thông qua; chịu trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc tổ chức thi hành.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày