Chủ nhật, 10/11/2024, 05:36[GMT+7]

Tiền Hải: Kinh tế tiếp đà tăng trưởng

Thứ 7, 29/06/2024 | 19:49:23
25,099 lượt xem
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự quyết liệt, linh hoạt, sâu sát, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện Tiền Hải duy trì đà tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là tiền đề thuận lợi để huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm.

Lãnh đạo huyện Tiền Hải tham quan mô hình khu công nghiệp Hải Long.

6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 11.215 tỷ đồng, tăng hơn 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó lĩnh vực nông nghiệp tăng hơn 2%, công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng gần 6,3%, thương mại và dịch vụ tăng hơn 6%. Tăng trưởng khá nhất phải kể đến lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản với giá trị sản xuất ước đạt 7.049 tỷ đồng, tăng gần 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Để động viên kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện đã tổ chức thăm, động viên các doanh nghiệp ra quân sản xuất đầu xuân Giáp Thìn 2024; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, trong đó có khu công nghiệp Hải Long với quy mô gần 300ha nằm trên địa bàn các xã: Đông Trà, Đông Long, Đông Xuyên. Sau hơn 1 năm động thổ, khu công nghiệp Hải Long đã dần hình thành với cơ sở hạ tầng cây xanh, giao thông, khởi công nhà điều hành. 

Ông Đỗ Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh (chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Hải Long) cho biết: Tổng giá trị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hải Long trên 2.200 tỷ đồng. Xác định đây là dự án lớn, trọng điểm nên Công ty quyết tâm đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Ngay từ khi bắt tay vào lập quy hoạch chi tiết, Công ty đã thiết kế hệ thống giao thông kết nối của khu công nghiệp, hệ thống cấp thoát nước, đường điện, hệ thống cây xanh và nhà máy xử lý nước thải tập trung một cách đồng bộ, tối ưu. Hiện nay, Công ty đang đôn đốc đơn vị thi công hoàn thiện hạ tầng giai đoạn I với 30,6ha, đồng thời chuẩn bị nhận tiếp mặt bằng 100ha giai đoạn II để triển khai dự án. Đã có một số nhà đầu tư thứ cấp đến với khu công nghiệp Hải Long để thuê mặt bằng, tuy nhiên Công ty sẽ nghiên cứu lựa chọn những nhà đầu tư lớn.

Thi công hạ tầng KCN Hải Long.

Cùng với khu công nghiệp Hải Long, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn đã được xây dựng hạ tầng và thu hút được nhiều dự án thứ cấp vào đầu tư sản xuất. Trong đó, cụm công nghiệp An Ninh thu hút 7 nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động với diện tích đất đã thuê là hơn 29ha, tổng mức đầu tư hơn 5.678 tỷ đồng; tại cụm công nghiệp Nam Hà đang được đầu tư hạ tầng và san lấp hơn 185.093m2 mặt bằng với mức đầu tư đã thực hiện là 90/157 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự án; cụm công nghiệp Trà Lý, UBND huyện đang đề xuất bố trí kế hoạch sử dụng đất, báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất phương án hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được huyện chỉ đạo quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu dân cư đấu giá quyền sử dụng đất; các công trình trọng điểm.

Tiền Hải duy trì hoạt động khai thác thủy hải sản.

Trong sản xuất nông nghiệp, để duy trì đà phát triển cùng với tập trung phát triển trồng trọt, các địa phương trong huyện đã chú trọng đầu tư lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Các địa phương đã tập trung cải tạo ao đầm, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất bảo đảm khung thời vụ thả giống nuôi thủy sản năm 2024. Tổng diện tích thủy sản ước đạt 5.180ha; giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt hơn 1.093 tỷ đồng. Điều hành chi ngân sách linh hoạt, hiệu quả. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện ước thực hiện hơn 928 tỷ đồng; nếu loại trừ số thu chuyển nguồn, trợ cấp ngân sách xã thì số thu ngân sách nhà nước đạt 45,8% dự toán tỉnh và huyện giao, bằng 142,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm thực hiện hơn 769 tỷ đồng đồng; nếu loại trừ số chi trợ cấp cho ngân sách xã, chi tạm ứng thì chi ngân sách đạt 40,6% dự toán tỉnh và huyện giao, bằng hơn 129% so với cùng kỳ năm 2023.

Mục tiêu năm 2024, huyện phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 11% trở lên so với năm 2023. 

Theo ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, huyện cũng xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai hiệu quả các dự án của tỉnh, huyện; tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tập trung nắm bắt tình hình, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng cải cách thủ tục hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu, chi ngân sách nhà nước; khai thác các nguồn thu, đẩy mạnh công tác kiểm tra chống thất thu thuế, tích cực đôn đốc thu nộp ngân sách, thu hồi nợ đọng thuế…

Trần Tuấn