Thứ 7, 23/11/2024, 14:34[GMT+7]

Khi Trái đất tăng nhiệt kỷ lục

Thứ 4, 10/07/2024 | 11:42:49
2,634 lượt xem
Những đợt nắng nóng nguy hiểm đang bao trùm nhiều thành phố ở các châu lục trên thế giới, dấy lên quan ngại về khả năng mùa hè năm nay sẽ ghi nhận những kỷ lục nhiệt độ mới. Đây là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu, mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó nắng nóng xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, với nền nhiệt tăng chưa từng thấy.

Khách du lịch đi bộ gần Đấu trường La Mã tại Rome trong đợt nắng nóng lan rộng khắp Italia, ngày 17/7/2023. (Ảnh: Reuters)

Năm 2024 được dự báo là năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, “xô đổ” kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm 2023. Nhiều vùng rộng lớn trên thế giới đã phải hứng chịu nhiệt độ cao trước khi mùa hè bắt đầu ở bắc bán cầu. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, các quốc gia Địa Trung Hải đã phải hứng chịu thêm nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển Algeria ở phía Bắc châu Phi. Các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nắng nóng có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Một đợt nắng nóng triền miên thiêu đốt hầu hết nước Mỹ với nhiều khu vực ghi nhận các mốc nhiệt kỷ lục. Tại châu Á, nắng nóng dữ dội cũng khiến một số quốc gia phải nâng mức cảnh báo về tăng nhiệt.

Nắng nóng dữ dội

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWC) đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ kéo dài ở vùng Bờ Đông và Trung Tây nước này, ảnh hưởng tới gần 72 triệu người. NWC cảnh báo nắng nóng nhất có thể sẽ xảy ra ở một số vùng của bang Ohio và Indiana. Trung Tây không phải là khu vực duy nhất bị nắng nóng thiêu đốt, vì các cảnh báo và khuyến cáo về nhiệt độ cao và cực cao đã được đưa ra trên khắp khu vực Đông Bắc, giữa Đại Tây Dương và một số bang miền Tây nước này. Thành phố New York của Mỹ cho biết đã mở các địa điểm nghỉ ngơi tránh nóng có thiết bị làm mát phục vụ người dân. Cơ quan khí tượng Mỹ cũng ban hành cảnh báo nắng nóng gay gắt đối với các khu vực của bang Arizona khi nhiệt độ dự đoán có thể lên đến 45,5 độ C.

Tại châu Âu, ngay từ trước khi chính thức vào mùa hè, nhiều quốc gia đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do nắng nóng. Nắng nóng bất thường kéo dài đã khiến ba khách du lịch nước ngoài tử vong ở Hy Lạp. Tại châu Á, nắng nóng gay gắt hoành hành nhiều khu vực ở Ấn Độ trong những tuần gần đây. Nhiều vùng phía Bắc Ấn Độ đã hứng chịu đợt nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 5, với nhiệt độ lên tới hơn 45 độ C. Giới chức y tế nước này cho biết, ít nhất 110 người đã tử vong do nắng nóng từ ngày 1/3 đến 18/6. Ấn Độ đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay. Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới nhưng đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2070. Hiện nay, nước này phụ thuộc hoàn toàn vào than đá để sản xuất điện. Trong đợt nắng nóng mới nhất, nhiệt độ ở thủ đô New Delhi ngang với mức cao kỷ lục trước đó ở thành phố này là 49,2 độ C ghi nhận năm 2022. Nắng nóng khiến nhu cầu làm mát tăng cao, gây áp lực đối với mạng lưới điện, nâng nhu cầu tiêu thụ điện lên mức kỷ lục 8.302 MW.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) cho biết, một đợt nắng nóng lớn có thể lan rộng khắp các khu vực ở miền bắc nước này, đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục tại một số khu vực. Theo NMC, đợt nắng nóng, bắt đầu từ ngày 8/6, đã buộc nhà chức trách phải đưa ra các cảnh báo về khí hậu, sau khi Trung Quốc ghi nhận mùa xuân nóng nhất trong lịch sử. Đài quan sát quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu cam về nhiệt độ cao - mức cảnh báo nghiêm trọng thứ hai, trong bối cảnh nắng nóng oi bức bao trùm khu vực miền bắc.

Nhân tố làm tăng mức độ nguy hiểm

Nghiên cứu khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Theo các nhà khoa học, nếu không có biến đổi khí hậu, thế giới có lẽ đã không có thêm trung bình 26 ngày nắng nóng cực độ trong 12 tháng qua. Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân khiến số ngày nắng nóng cực độ trong năm 2023 trung bình ở tất cả các nơi trên thế giới tăng thêm 26 ngày. Nắng nóng cực độ đã ảnh hưởng đến nhiều vùng trên thế giới từ Mexico đến Pakistan. Trong 12 tháng qua, 6,3 tỷ người - khoảng 80% dân số toàn cầu - đã hứng chịu ít nhất 31 ngày nắng nóng cực độ. Tổng cộng có tới 76 đợt nắng nóng cực độ xảy ra ở 90 quốc gia khác nhau trên mọi châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có năm quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latin.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân khiến số ngày nắng nóng cực độ trong năm 2023 trung bình ở tất cả các nơi trên thế giới tăng thêm 26 ngày.

Trong khi đó, nắng nóng gây chết người bao trùm Mỹ, Mexico và Trung Mỹ gần đây có khả năng tăng gấp 35 lần do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phân tích đối với năm ngày và đêm liên tiếp nóng nhất trong một “vòm nhiệt” kéo dài ở phía Tây Nam của Mỹ, Mexico, Guatemala, Belize, El Salvador và Honduras vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm nay, nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, đã kết luận rằng, sự nóng lên do con người gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến nhiệt độ tối đa trong năm ngày nóng nhất cao hơn khoảng 1,4 độ C và hiện tượng này có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 35 lần. Khả năng xuất hiện những mức nhiệt cao như vậy tại các khu vực trên vào tháng 5 và 6 vừa qua cao hơn bốn lần so với mức 25 năm trước.

Hiện không có bức tranh toàn cảnh về các ca tử vong liên quan nắng nóng, vì những trường hợp này thường chỉ được xác nhận và báo cáo sau nhiều tháng kể từ khi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, WWA cảnh báo, nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, những hiện tượng cực đoan như vậy có thể trở nên thường xuyên hơn nữa và sẽ có thêm hàng triệu người phải tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm trong tương lai.

Nhiệt độ cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các ca tử vong liên quan đến khí hậu. Nắng nóng cực độ đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trong 12 tháng qua, nhưng con số thực tế có thể lên tới hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người. Nhiệt độ cao là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây tử vong nhiều nhất, nhưng thường bị đánh giá thấp, nhất là đối với trẻ em, người già và người làm việc ngoài trời.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 hối thúc các quốc gia kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, đồng thời hướng tới mục tiêu an toàn hơn là 1,5 độ C. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, đến cuối năm 2023, hoạt động của con người đã đẩy nhiệt độ Trái đất lên cao hơn 1,31 độ C so với mức tiền công nghiệp. Thực tế, Trái đất đã nóng lên tổng cộng 1,43 độ C khi tính đến các yếu tố tự nhiên khác, trong đó có hiện tượng thời tiết El Nino.

Nguyên nhân chính gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu là lượng khí thải nhà kính đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, lượng phát thải trung bình hằng năm trong giai đoạn 2013-2022 là 53 tỷ tấn CO2 và các khí tương đương khác, chủ yếu từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu và khí đốt. Riêng năm 2022, lượng phát thải lên tới 55 tỷ tấn. Điều này có nghĩa “ngân sách các-bon” của thế giới, tức là lượng khí thải nhà kính ước tính có thể được thải ra trước khi đẩy Trái đất vượt qua ngưỡng tăng nhiệt độ 1,5 độ C, đang giảm nhanh chóng. Năm 2020, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC tính toán “ngân sách các-bon” còn lại khoảng 500 tỷ tấn. Đến đầu năm 2024, con số này đã giảm xuống còn khoảng 200 tỷ tấn.

Theo các chuyên gia, lượng khí thải nếu vẫn ở mức hiện tại thì tình trạng nóng lên toàn cầu cũng duy trì ở cùng mức độ. Nếu không có những thay đổi đáng kể trong việc cắt giảm khí thải, ngưỡng nhiệt độ 1,5 độ C sẽ bị vượt qua và trở thành “mức trung bình dài hạn” trong một thập niên tới. Trước những mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, thế giới không chỉ phải giảm phát thải ổn định, mà cần đưa mức ròng về bằng 0.

Theo Nhân Dân


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày