Chủ nhật, 10/11/2024, 05:58[GMT+7]

Chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu

Thứ 5, 11/07/2024 | 14:32:09
3,624 lượt xem
Hiện nay, tại một số tỉnh đã ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 bệnh nhân ở Nghệ An đã tử vong. Tại Thái Bình, nhiều năm gần đây không ghi nhận có ca mắc bạch hầu, song trước diễn biến tình hình dịch bệnh, ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh bạch hầu cho người dân.

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tại Việt Nam, thời điểm chưa thực hiện tiêm vắc-xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh thường xảy ra và gây dịch ở nhiều tỉnh, nhất là tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao. Sau khi đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, do thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc đã giảm dần từ 3,95 ca/100.000 dân (năm 1985) xuống 0,14 ca/100.000 dân (năm 2000) và đến năm 2014, tỷ lệ này còn dưới 0,01 ca/100.000 dân. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 ca mắc ở Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, trong đó 1 ca ở Nghệ An đã tử vong.


Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc-xin chiếm 70%. Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 5 - 10% trên tổng số ca bệnh, cao hơn ở trẻ nhỏ.


Tại Thái Bình, các năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Một số ca bệnh nghi ngờ đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống bệnh bởi bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp.

Bác sĩ Trần Tuấn Anh, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Bệnh bạch hầu vẫn có mầm bệnh trong cộng đồng nhưng trước đây do tỷ lệ tiêm chủng cao nên chỉ ghi nhận ca bệnh lẻ tẻ. Thế nhưng mấy năm gần đây, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 lây lan, có thời điểm thiếu vắc-xin phòng bệnh hoặc nhiều người không đi tiêm chủng được nên tỷ lệ tiêm giảm. Bên cạnh đó, một số gia đình cũng lơ là việc tiêm chủng cho trẻ, thậm chí không tiêm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh rất lớn. Khi mầm bệnh lây lan sẽ dễ bùng phát nếu không được kiểm soát kịp thời. Cuối năm 2023, tại các tỉnh như: Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu tái xuất hiện.

Hiện có nhiều thể bạch hầu như: bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu mắt…, trong đó bạch hầu họng chiếm tỷ lệ mắc cao nhất. Bệnh có các biểu hiện như họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ, có giả mạc.

Trước thông tin về các ca mắc ở một số tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị y tế, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn tuyên truyền để phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đi tiêm đầy đủ, đúng lịch.

 Người dân tìm hiểu thông tin về bệnh bạch hầu. 

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết cho biết thêm: Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin “5 trong 1” lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, vệ sinh đồ chơi của trẻ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang có sẵn các loại vắc-xin phối hợp, trong đó có thành phần bạch hầu phục vụ nhu cầu tiêm chủng trẻ em.

Sau khi được tuyên truyền, thay vì hoang mang, lo lắng nhiều người dân đã chủ động thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe.

Bà Trần Thị Hải, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) chia sẻ: Ban đầu thấy nhiều người chia sẻ về ca mắc, ca tử vong do bệnh bạch hầu tôi cũng khá lo lắng vì gia đình có cháu nhỏ. Tuy nhiên, khi đến khám tại cơ sở y tế được truyên truyền, hướng dẫn tôi cũng phần nào vơi bớt nỗi lo. Để phòng bệnh, tôi sẽ thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế.

 Hoàng Lanh