Chủ nhật, 10/11/2024, 05:59[GMT+7]

Tam triều đại đạo

Thứ 2, 15/07/2024 | 08:34:09
5,896 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu, thời vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128), công chúa Phượng Hoa đã về trang Diên Phúc đến Tháp Khu (làng Ngận, còn gọi là Thượng Ngạn, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà) rước chân hương phật Thiên Tôn về thờ, muôn đời hương khói. Từ đấy về sau, trải qua các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê... các nghi lễ “quốc tế” cầu nước thịnh, dân an đều rất linh ứng. Các triều đại tiếp theo gia phong Đại Vương, chuẩn y cho nhân dân Tháp Khu trang Thượng Ngạn thờ phụng muôn đời.

Đền Ngận, còn gọi là Thượng Ngạn, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà - nơi thờ Đức Đại đạo Thiên Tôn, thời vua Hùng thứ 17.

Truyền ngôn, thời Hùng Nghị Vương (Hùng Vương thứ 17), bấy giờ ở đạo Tuyên Quang có một nhà phú hào tên là Hùng Công, lấy vợ họ Đinh, người ở Tu Long đã sinh con gái mà chưa có con trai, nên không vui. Ông lấy việc săn bắn và bắt cá làm vui. Một hôm ông và người nhà đánh cá ở dòng sông Đới, bỗng thấy hai con cá lớn đuổi nhau, ông lấy cung bắn ba lần đều không trúng, cá lặn mất tăm. Thuyền ông đi một quãng thấy trên bờ có một miếu cổ, ông thấy hai con cá cũng vừa nãy nhắm bắn cũng đến và chúng rước nhau lên miếu. Ông vội dừng thuyền lên cạn thì không thấy cá đâu, chỉ thấy hai cỗ thần vị. Một cỗ ở giữa đề mỹ tự là “Chiêu Long Chi Thần”, một cỗ ở bên trái đề là “Trấn Tây Chi Thần”. 

Ông nghĩ, phải chăng hai con cá là hai vị thần? Ông bỏ tiền mua gỗ, thuê thợ về tu tạo trong ba tháng mới xong, ông làm lễ tạ rồi về quê. Một trăm ngày sau, một hôm trời quang mây tạnh ông ngắm cảnh ở vườn hoa bỗng thấy tâm thần hoảng loạn, trong mơ thấy hai người con trai mặc quần áo đỏ đàng hoàng vào lậy trước mặt ông rồi thưa, bọn chúng tôi cũng là một bọc trăm trứng, một tên là Chiêu Long, một tên là Trấn Tây là thần ở khúc sông này không may miếu mạo suy đồi khói hương lạnh nhạt may được tôn công tu sửa vậy nguyện đầu thai làm con để đền đáp công ơn. Từ đó vợ ông có thai. Đến giờ Sửu ngày mười lăm tháng tám sinh ra một bọc, nở ra hai con trai đều có hình dáng kỳ lạ: mặt rồng mày ngài, nhớ lại giấc mơ, ông đặt tên cho người anh là Chiêu Công, em là Trấn Công. Ngày tháng thoi đưa, đến khi hai anh em được 12 tuổi, ông bà qua đời. Năm 21 tuổi văn võ gồm hai, lại thông minh, tiếng tăm lừng lẫy. Bấy giờ vua Nghị Vương nghe tin biết là Thủy Thần giáng sinh, liền sai đình thần gọi về triều đình phong Chiêu Công là Long Hầu Đốc Súy, phong Trấn Công là Thủy Đạo Đốc Lĩnh. Vua tôi một dạ, thiên hạ thái bình. Vua rất tin cậy, cùng với hai ông đi chu du mọi nơi, đến đâu nhân dân cũng nồng nhiệt chào đón. Một hôm, vua và hai ông đến Tiểu Hoàng Giang (sông Trà Lý nay) ngắm cảnh rồi đến Tháp Khu (làng Thượng Ngạn ngày nay), dân phụ, lão, ấu làm lễ chúc mừng, đón vua về làng dâng lễ. Vua khen dân làng biết lễ. Vua và hai ông vào làng, cho người mở tiệc khao dân làng. Vua thấy trong làng có ngôi đình cổ, nắng mưa xuống cấp. Hai ông xin vua cho tu sửa, vua chuẩn y. Xong việc, vua cùng đoàn ngự giá về triều, còn hai ông ở lại sửa đình, vâng mệnh vua ban, kêu gọi nhân dân lạc quyên lấy tiền chi việc sửa chữa, trong ba tháng mười ngày, cảnh vật vui tươi, người người đều hoan hỷ. Trong lúc hoan ca, hai ông bỗng thấy có người đàn ông dáng mạo tuấn tú, vẻ mặt khôi ngô, đầu đội mũ tì lư, tay cầm bông sen, mặc áo cà sa, chân đi dép lá, từ phía ngoài đi vào. Hai ông bảo nhau, đây chắc là bậc “Bồng lai tiên trượng, đắc đạo chân nhân”, nên mời ngồi trên. Chủ khách mạn đàm về đạo nho, đạo Phật, thế thái nhân tình, bao điều tâm đắc. Người này cho biết, 10 năm sau sẽ có giặc ngoại xâm. Bọn yêu quái quấy rối nếu không có bậc đại tài thì sao dẹp nổi. Các người nên mời hai người họ Nguyễn ở đất Hồng Châu là bậc anh hùng nếu được mấy người ấy giúp việc thì công danh mới toại nguyện. Hai ông nghe nói, cúi đầu làm lễ và hỏi quý hiệu tu sĩ. Người này cười đáp “Ta là Đại Đạo Thiên Tôn Phật”, nói xong, trời đất bỗng tối xầm, giông gió nổi lên, lát sau, trời trong xanh trở lại, mọi người không thấy vị tu sĩ kia đâu. Hai ông cảm tạ liền dựng miếu viết duệ hiệu “Đại Đạo Thiên Tôn” thờ phụng. 

Truyền rằng, bấy giờ ở làng Ngọc Cục có ông Nguyễn Thúc, vợ là Trần Thị Hiên, gia đình nhân hậu chăm việc từ thiện, thấy người đói rét thì cho cơm áo, có lỗi thì bảo ban. Một đêm vợ chồng ông Nguyễn cùng mơ màng đến một vườn dâu, một lát có ba đôi chim khổng tước bay vào. Trần Thị (vợ ông Nguyễn) bắt được ba đôi đem về đến nhà thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, cười nói: “Chim khổng tước là điềm lành cho con trai, nhà ngươi có phúc trời sẽ ban cho”. Bà vợ nói với chồng về giấc mơ, chồng bảo: Ta cũng mơ thấy cụ già cho một bài thơ: “Ba đôi khổng tước ở vườn dâu/Trời Phật ban cho phúc hưởng lâu/ Đây rõ điềm lành ba vị tướng/Phò vua giúp nước lập công cao”. Từ đó, Trần Thị mang thai, đến ngày 6 tháng Giêng năm Bính Tý sinh một bọc nở ra ba con trai, dáng mạo thanh tú, khôi ngô. Lúc sinh hạ, trong nhà tỏa mùi hương thơm nức, một vầng hào quang rực rỡ. Ông đặt tên con cả là Uy Công, thứ hai tên là Thông Công, thứ ba là Ly Công. Cũng giống cảnh hai anh em, song thân phụ mẫu ba anh em họ Nguyễn cũng mất đột ngột, 3 anh em tang bồng bốn phương. Bấy giờ Chiêu Công và Trấn Công nghe tin tìm đến, thấy 3 ông quả là bậc tài cao hơn người, liền kết nghĩa anh em rồi cùng về trang Thượng Ngạn, miếu thờ Đức Thiên Tôn, hẹn cùng giúp nhà vua. Một ngày, năm ông cùng vào triều yết kiến nhà vua. Vua trông thấy ba ông đứng sau thì hỏi là ai. Hai ông (tức là Chiêu Công và Trấn Công) tâu rõ ba ông quê ở Hải Dương, huyện Thanh Miện làng Ngọc Cục, một người tên là Uy một người là Thông, một người là Ly, cùng với anh em tôi nhờ ơn bệ hạ an tạo chùa Tháp Khu, lại may nhờ gặp đức Phật “Đại Đạo Thiên Tôn” cho biết việc triều đình. Vua nghe nói mừng rỡ bảo “các người nên kết nghĩa thân tình để cùng giúp nước, trẫm phong cho ba người ở Ngọc Cục đều làm quan Đại phu, ba người bái tạ nhà vua và nghĩ đến ơn của Chiêu Công, Trấn Công, suy tôn Chiêu Công là anh cả Trấn Công lại nhường Uy Công và Ly Công là Khái Huynh, còn Trấn Công xin xếp thứ 5. Cả 5 người đều vui vẻ tuy không phải là ruột thịt mà coi nhau như thân thích, gắn bó như keo sơn, trở lại Tháp Khu.

Giặc Ô Lý ở Châu Bố Chính liên kết với bọn giặc Đại Man, Quỳnh Sơn Man, Tấn Châu Man, Liêu Động Man (cả thảy có 6 giặc Man), giỏi phù phép, biến hóa thần thông lại có 60 vạn binh mã, chia quân đến xâm lược nước ta. Quân giặc cờ bay rợp đất, giáo mác rợp trời, quan văn quan võ nghe tin đều sợ hãi. Vua vời 5 ông ra trận. Bọn tướng giặc dùng phép yêu quái, làm cho trời đất bỗng tối tăm, hổ báo, rắn rết, thuồng luồng, tê giác và các yêu quái vây kín 5 ông và 30 vạn quân ở 16 châu. Quân thám mã báo về, vua Nghị Vương ngửa mặt lên trời than thở, liền cho 3 vạn quân, lại cho 16 châu chi viện. Đúng lúc, đức “Đại Đạo Thiên Tôn” và 12 vị Dương niên Hành Khiển và các Phật ở tứ phương xuất hiện, cầm gậy tích trượng, đáp xuống giữa đám quân của Lục Man cùng 5 ông đánh giặc, chuyển tối thành sáng, phá tan đạo quân Lục Man. Vua Nghị Vương hết lời cảm thán “Đức Đại Đạo Thiên Tôn”. Vua chuẩn y cho dân ở Tháp Khu được miễn tô thuế và tạp dịch để phụng thờ Đức Đại Đạo Thiên Tôn và khi 5 ông trăm tuổi cũng được thờ cúng. Vua cùng 5 ông về triều đình, luôn gần gũi bên nhau.

Quang Viện