Chủ nhật, 10/11/2024, 09:52[GMT+7]

Các vụ cháy rừng ngày càng thảm khốc

Thứ 3, 16/07/2024 | 16:45:58
2,890 lượt xem
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution mới đây cho biết, tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng thảm khốc đã tăng gấp hơn hai lần trên toàn thế giới trong 20 năm qua, chủ yếu do các hoạt động của con người khiến Trái đất nóng lên.

Trực thăng tham gia hoạt động chữa cháy rừng trên núi Parnitha, gần Athens, Hy Lạp. (Ảnh: REUTERS)

Nhiều quốc gia phải vật lộn với tình trạng cháy rừng ngày càng nghiêm trọng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đây là lần đầu các nhà khoa học chỉ ra được xu hướng cháy rừng gia tăng trên khắp thế giới, thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề đối với kinh tế quốc gia cũng như đối với môi trường và sinh kế của con người. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu vệ tinh về gần 3.000 vụ cháy rừng có mức giải phóng nhiệt cực lớn trong giai đoạn 2003-2023.

Phân tích dữ liệu cho thấy, số vụ cháy rừng như vậy tăng gấp 2,2 lần trong 20 năm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận thấy cường độ của 20 vụ cháy rừng thảm khốc nhất mỗi năm cũng đã tăng hơn gấp 2 lần trong thời gian nghiên cứu, cho thấy mức độ thảm khốc dường như có xu hướng tăng nhanh. Việc gia tăng tình trạng khô hạn do biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng lớn. Do các khu rừng hấp thụ CO2 từ khí quyển cho nên việc mất cây do cháy rừng sẽ giải phóng lượng CO2 đó trở lại khí quyển, làm gia tăng hơn nữa tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tần suất và cường độ tăng mạnh

Chưa bao giờ thế giới phải đối mặt tình trạng cháy rừng dữ dội như hiện nay khi nghiên cứu chỉ ra rằng giai đoạn 2017-2023 đã chứng kiến những thảm họa cháy rừng khốc liệt nhất, xét về tần suất và cường độ. Trong đó, năm 2023 là năm có cường độ cháy rừng thảm khốc nhất.

So với những nơi khác trên thế giới, các khu vực như Bắc Mỹ, phía bắc của lục địa Á-Âu và Australia chứng kiến sự gia tăng mạnh số vụ cháy rừng nghiêm trọng. Chẳng hạn như các khu rừng lá kim ôn đới ở miền Tây nước Mỹ đã ghi nhận số vụ cháy rừng nghiêm trọng tăng gấp 11 lần trong 20 năm. Số vụ cháy ở những khu rừng bao phủ vùng cực bắc của Trái đất gồm bang Alaska (Mỹ), Canada và Nga đã tăng hơn 7 lần.

Rừng Amazon ở Brazil, “lá phổi xanh” của khu vực Mỹ Latin, đã ghi nhận 13.489 vụ cháy rừng trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 61% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số tồi tệ nhất trong 20 năm qua. Theo giới chuyên gia, số vụ cháy rừng tăng mạnh ở Amazon trong 6 tháng đầu năm nay là do đợt hạn hán lịch sử tại rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này hồi năm ngoái.

Cùng thời điểm, hai hệ sinh thái khác ở phía nam rừng Amazon, gồm đầm lầy nhiệt đới Pantanal và thảo nguyên Cerrado, cũng ghi nhận số vụ cháy rừng kỷ lục. Pantanal là một trong những vùng đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới, phần lớn diện tích thuộc bang Mato Grosso của Brazil, trong khi thảo nguyên Cerrado chủ yếu nằm ở Brazil. Tại Pantanal, nơi sinh sống của hàng triệu con cá sấu caiman, vẹt, rái cá lớn và là nơi có mật độ báo đốm cao nhất thế giới, đã xảy ra 3.538 vụ cháy rừng trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 2.000% so cùng kỳ năm ngoái.

Chưa bao giờ thế giới phải đối mặt tình trạng cháy rừng dữ dội như hiện nay khi nghiên cứu chỉ ra rằng giai đoạn 2017-2023 đã chứng kiến những thảm họa cháy rừng khốc liệt nhất, xét về tần suất và cường độ. Trong đó, năm 2023 là năm có cường độ cháy rừng thảm khốc nhất.

Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, 2.639 vụ cháy đã được phát hiện, gấp 6 lần con số cao nhất từng được ghi nhận. Giới chuyên gia cho rằng tình hình này rất đáng quan ngại vì đỉnh điểm mùa cháy rừng thường diễn ra vào nửa cuối năm, nhất là tháng 9 hằng năm khi thời tiết khô nhất. Tuần trước, bang Mato Grosso đã ban bố tình trạng khẩn cấp và chính quyền bang này đã phải huy động lực lượng cứu hỏa từ các khu vực khác để dập tắt các đám cháy. Trong khi đó, tại Cerrado, một trong ba thảo nguyên lớn nhất thế giới, bao phủ khu vực bằng diện tích của nước Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh cộng lại, đã ghi nhận 13.229 vụ cháy rừng trong 6 tháng đầu năm nay, gần bằng số vụ cháy rừng ở Amazon.

Theo Người phát ngôn tổ chức môi trường Greenpeace chi nhánh Brazil, chuyên gia Romulo Batista, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng số vụ cháy rừng. Hầu hết các quần thể sinh vật ở Brazil đều đang chịu áp lực do thiếu mưa. Môi trường khô hơn khiến thảm thực vật cũng trở nên khô cằn và dễ bị cháy hơn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, hầu hết các vụ cháy rừng không phải do tự phát như sét đánh mà là do hoạt động của con người, nhất là việc đốt rừng lấy đất canh tác nông nghiệp.

Bolivia đã ban bố cảnh báo cam ở 74 thị trấn do nguy cơ cháy rừng ngày càng tăng. Đây là mức cảnh báo kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn thảm họa kinh tế hoặc môi trường. Cháy rừng hiện nay ở nước này là hậu quả trực tiếp của hoạt động nông nghiệp vượt quá tầm kiểm soát như đốt nương hoặc khai hoang để trồng trọt. Hiện vùng Santa Cruz, miền đông Bolivia, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cháy rừng.

Vòng xoáy biến đổi khí hậu

Trong khi đó, tại châu Âu, lực lượng cứu hỏa Hy Lạp phải căng mình đối phó với hàng loạt đám cháy rừng dữ dội bùng phát gần thủ đô Athens, trong bối cảnh nước này có thể tiếp tục phải trải qua một mùa hè nắng nóng khắc nghiệt nữa. Hy Lạp đang đối mặt với một mùa cháy rừng đầy khó khăn sau khi trải qua mùa đông ấm áp nhất từ trước đến nay và đợt nắng nóng đến sớm nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ lên tới 44 độ C.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis kêu gọi người dân nước này đoàn kết để ứng phó với mùa cháy rừng nghiêm trọng sắp tới. Các đám cháy rừng cũng đang hoành hành ở khu vực Vòng Bắc Cực, chủ yếu tại Nga, thải ra lượng khí carbon chỉ tính riêng trong tháng 6 đã cao thứ ba trong 20 năm qua. Cộng hòa Sakha thuộc vùng Siberia của Nga là nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đám cháy, buộc chính quyền địa phương đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Giáo sư Gail Whiteman, Đại học Exeter (Anh) và là người sáng lập nhóm chuyên gia Arctic Basecamp cảnh báo, Bắc Cực đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Theo bà, những đám cháy rừng ngày càng gia tăng ở Siberia là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hệ sinh thái quan trọng này đang đến gần các điểm nguy hiểm của khí hậu. Bà Whiteman nhấn mạnh rằng tác động của biến đổi khí hậu tại Bắc Cực không chỉ giới hạn trong khu vực này. Những thay đổi tại Bắc Cực đang làm gia tăng nguy cơ toàn cầu đối với tất cả con người.

Cháy rừng thải ra các khí nhà kính như CO2, góp phần làm hành tinh nóng lên, phá hủy các bể chứa carbon tự nhiên và làm giảm chất lượng không khí. Khói bụi từ các đám cháy cũng có thể bám trên băng, làm giảm khả năng phản xạ bức xạ mặt trời của băng, dẫn đến việc cả băng và đất hoặc biển bên dưới hấp thụ nhiều nhiệt hơn, tạo nên vòng xoáy biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng đáng lo ngại nêu trên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tính cấp thiết của việc các nước cần thực hiện những biện pháp thích ứng với điều kiện khí hậu gây cháy rừng cực đoan, trong đó những giải pháp trước mắt là quản lý rừng ở cấp độ địa phương và nỗ lực không để xảy ra những vụ cháy rừng quy mô lớn.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày