Thứ 7, 23/11/2024, 13:57[GMT+7]

Mục tiêu trên chặng đường mới của Iran

Thứ 2, 22/07/2024 | 21:16:22
2,370 lượt xem
Cử tri Iran đã chọn ứng cử viên theo đường lối cải cách, ông Masoud Pezeshkian, làm Tổng thống mới của nước này, quyết định nhận được sự quan tâm lớn cả trong nước và quốc tế. Trong thời điểm quan trọng đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, sự thay đổi về đường lối lãnh đạo đặt ra cả cơ hội và thách thức cho Tehran trong tiến trình phát triển và định hướng tương lai.

Ông Masoud Pezeshkian trong cuộc vận động tranh cử ở Tehran ngày 3/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những bước cải cách ở Iran gây chú ý mạnh mẽ từ cuối những năm 1990, nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mohammad Khatami. Những người theo chủ nghĩa cải cách ủng hộ thúc đẩy xã hội cởi mở hơn, hiện đại hóa kinh tế và cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran vừa diễn ra, chiến thắng gọi tên ông Masoud Pezeshkian - một nhà cải cách, bác sĩ phẫu thuật tim và từng giữ chức Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami. 

Nhấn mạnh những giá trị theo đường lối cải cách trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian mang đến động lực mới, hướng tới thay đổi mạnh mẽ ở quốc gia đã trải qua nhiều biến động chính trị và kinh tế những năm qua.

Xử lý vấn đề trong nước

Giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian ngay lập tức kêu gọi người dân cùng sát cánh trên “con đường khó khăn phía trước”. Cam kết sẵn sàng phục vụ và lắng nghe trăn trở của người dân, ông thừa nhận những thách thức mà chính quyền mới phải đương đầu, trong đó có các vấn đề của nền kinh tế, vốn chịu tác động nặng nề từ các lệnh trừng phạt, nhất là những lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2018. Tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao, mức sống giảm cũng tạo ra hàng loạt vấn đề cho nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đặt niềm tin để một tổng thống theo chủ nghĩa cải cách “lèo lái” đất nước, người dân Iran trông chờ những cải cách kinh tế, gồm giải pháp chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Tái hợp tác với các tổ chức quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phục hồi nền kinh tế trong nước cũng nhận được quan tâm lớn. Nhưng trên hết, được kỳ vọng hơn cả là cách tiếp cận mang lại nhiều lợi ích hơn của tổng thống đắc cử đối với thỏa thuận hạt nhân JCPOA. 

Thực tế, trong chiến dịch tranh cử, ông Pezeshkian nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, vốn được kỳ vọng giúp tháo gỡ các biện pháp trừng phạt và mang lại động lực cần thiết cho nền kinh tế. Theo giới phân tích, các cuộc đàm phán thành công có thể dỡ bỏ lệnh đóng băng tài sản của Iran ở nước ngoài, tăng xuất khẩu dầu và giúp môi trường kinh tế ổn định hơn. Tuy vậy, điều này đòi hỏi sự khéo léo trong ngoại giao và sẵn sàng nhượng bộ, và việc này có thể gây tranh cãi trong nội bộ Iran.

Bên cạnh chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, người dân Iran còn kỳ vọng lớn vào những cải cách xã hội, trong đó mở rộng quyền tự do cá nhân. Nhiều người trẻ với trình độ học vấn ngày càng cao ở Iran chưa bằng lòng về những khó khăn về kinh tế và các hạn chế xã hội, cũng như các vấn đề liên quan quyền phụ nữ, bình đẳng giới, cơ hội giáo dục và việc làm. Họ cũng mong đợi chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn tính bao trùm, bảo vệ quyền của nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo, thúc đẩy sự thống nhất quốc gia.

Ưu tiên về đối ngoại

Trong quan hệ đối ngoại, việc cử tri bầu một tổng thống theo chủ nghĩa cải cách có thể dẫn đến thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tehran. Sau khi kết quả bầu cử được công bố, điều này càng được thể hiện rõ ràng hơn. Tái tham gia JCPOA, cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước châu Âu được coi là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới tại Iran. 

Ngay trong thông điệp sau khi thắng cử, dù có trách cứ các nước châu Âu đã từ bỏ cam kết cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA và giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt, Tổng thống đắc cử Iran vẫn mong muốn tham gia đối thoại mang tính xây dựng với các nước châu Âu, nhằm đưa mối quan hệ đi đúng hướng, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. 

Trong cuộc họp mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), lãnh đạo Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ lập trường của Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian nhấn mạnh, Tehran tập trung thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, mở ra những chân trời hợp tác mới, mở rộng quan hệ hữu nghị với các đối tác. Chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương, song Iran hoan nghênh nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ để khôi phục sự tham gia của cả hai bên trong thỏa thuận hạt nhân. Điều này có thể mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, bình thường hóa quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. 

Cùng với mong muốn cải thiện quan hệ với phương Tây, Tehran cũng tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Nga và các quốc gia láng giềng. Tại Trung Đông, Tổng thống mới của Iran có thể tìm cách giảm leo thang xung đột và thúc đẩy mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng hơn với các nước láng giềng. Sự can thiệp của Iran vào các cuộc xung đột khu vực làm nổi lên những chỉ trích và gây căng thẳng. Một chính sách đối ngoại ôn hòa hơn có thể giúp giảm bớt những áp lực và nâng cao vị thế của Iran trong khu vực. 

Iran đang đứng trước nhiều cơ hội thay đổi tích cực, song chính quyền mới cũng nhận định rõ những thách thức. Các chuyên gia cho rằng, khó khăn kinh tế và căng thẳng địa chính trị đặt ra những trở ngại đáng kể cho chương trình nghị sự cải cách của Iran. Ngoài ra, tổng thống mới vừa phải đối mặt áp lực từ công chúng vừa hy vọng vào sự thay đổi, vừa hoài nghi về “những lời hứa chính trị”. Điều chỉnh kỳ vọng của người dân phù hợp thực tế bối cảnh chính trị và kinh tế phức tạp của Iran cũng là việc mà chính quyền mới có thể cần tính đến. Chưa hết, sự cân bằng giữa chính sách theo đuổi cải cách và duy trì ổn định cũng rất quan trọng đối với chính quyền mới ở Iran.

Với mong muốn đưa nước Cộng hòa Hồi giáo trở nên thịnh vượng hơn về kinh tế, cởi mở hơn về mặt xã hội và gắn kết hơn với cộng đồng quốc tế, chính quyền mới của Iran cam kết thúc đẩy đối thoại, đoàn kết và đồng thuận dân tộc, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực chân thành nhằm xoa dịu căng thẳng, với tinh thần “đáp lại thiện chí bằng thiện chí”. Những thay đổi trước mắt cả về chính trị, kinh tế và xã hội mang lại hy vọng về một Iran cởi mở, thịnh vượng và phát triển toàn diện hơn. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ giới lãnh đạo đến người dân. Thành công của Iran sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng điều hành đất nước có hiệu quả, chiến lược đối ngoại và sự ủng hộ rộng rãi đối với chương trình cải cách. Con đường phía trước còn chông gai, song những thay đổi sắp tới hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày