Chủ nhật, 10/11/2024, 05:49[GMT+7]

Thế giới "oằn mình" trong nắng nóng

Chủ nhật, 11/08/2024 | 10:08:07
953 lượt xem
Hàng loạt kỷ lục về nắng nóng tại các nước đã bị xô đổ. Thế giới đang chứng kiến đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và sinh kế của người dân. Những hồi chuông báo động từ thiên nhiên đang thúc giục con người hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu và giảm tác động xấu của nó.

Khách du lịch đi bộ gần Đấu trường La Mã tại Rome trong đợt nắng nóng lan rộng khắp Italia, ngày 17/7/2023. (Ảnh: Reuters)

Từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, người dân các nước phải vật lộn với những ngày nắng nóng như thiêu đốt, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhà khoa học Zeke Hausfather tại Cơ quan nghiên cứu khí hậu Berkeley Earth (Mỹ) dự báo, có khoảng 95% khả năng năm 2024 sẽ vượt năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi các kỷ lục về nhiệt độ bề mặt toàn cầu được ghi nhận từ giữa những năm 1800. Các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định rằng, dưới tác động tăng dần của biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt và lượng mưa cao bất thường, trái với quy luật đang dần trở thành điều "bình thường mới".

Những "kỷ lục buồn"

"Kỷ lục" là cụm từ thường xuyên được sử dụng khi nói về tình hình khí hậu tại các châu lục trong thời gian qua. Điều này cho thấy, không một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, có thể tránh khỏi tác động từ biến đổi khí hậu. Ở Hàn Quốc, số ngày xảy ra hiện tượng đêm nhiệt đới trong tháng 7/2024 là 8,8 ngày, mức cao nhất trong số các tháng 7 từ trước đến nay kể từ sau mức kỷ lục 8,5 ngày hồi tháng 7/1994. Hiện tượng đêm nhiệt đới xảy ra khi nhiệt độ vào ban đêm vượt ngưỡng 25oC. Nhật Bản cũng trải qua tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay. Những ngày mà nhiệt độ cao nhất ở mức từ 35oC trở lên đã được ghi nhận tại 3.509 địa điểm trên toàn Nhật Bản trong tháng 7 vừa qua.

Một quốc gia châu Á khác là Trung Quốc cũng trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử hiện đại và tiếp tục vật lộn với nhiệt độ cao khắc nghiệt trong tháng 8. Các dịch vụ khẩn cấp tại thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông cho biết, từ ngày 1 đến 6/8 vừa qua, họ nhận được 88 cuộc gọi cấp cứu tại nhà do các vấn đề sức khỏe liên quan nhiệt độ. Các chuyên gia khí tượng giải thích rằng, mặc dù hiện tượng khí hậu La Nina xuất hiện, tình trạng nắng nóng tại Trung Quốc trong năm 2024 vẫn trở nên trầm trọng hơn do sự ấm lên toàn cầu. Trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục kéo dài, lượng điện tiêu thụ tại quốc gia châu Á này cũng tăng đột biến, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Thung lũng Tử thần, nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ, lâu nay luôn là nơi nóng nhất, thấp nhất và khô hạn nhất của Xứ cờ hoa. Nơi này đã ghi nhận tháng nóng kỷ lục là tháng 7/2024 với nhiệt độ trung bình trong 24 giờ là 42,5oC. Tại châu Âu, Hy Lạp vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Croatia hứng chịu nhiều đợt nắng khắc nghiệt suốt mùa hè, với nhiệt độ thường xuyên vượt 37oC.

Nhiều cuộc họp về khí hậu ở cấp khu vực và toàn cầu đã được tổ chức; nhiều lời hứa hẹn về mục tiêu khí hậu đã được đưa ra. 

Nhiều cuộc họp về khí hậu ở cấp khu vực và toàn cầu đã được tổ chức; nhiều lời hứa hẹn về mục tiêu khí hậu đã được đưa ra. Điều này cho thấy nhận thức chung của con người về tầm quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được nâng cao rõ rệt. Nhưng nghịch lý là hiện tượng ấm lên toàn cầu lại trở nên nghiêm trọng, cấp bách hơn mỗi ngày. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu, ông Hans Kluge từng nhấn mạnh: Loài người đang phải trả một cái giá đắt.

Theo WHO, mỗi năm nắng nóng cực đoan khiến hơn 175.000 người chết tại châu Âu. Ở Hàn Quốc, nắng nóng khiến số người mắc bệnh liên quan nhiệt độ cao đạt mức 1.546 ca tính từ ngày 20/5 đến ngày 3/8 vừa qua. Tình trạng ít mưa còn gây thiếu nước nghiêm trọng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, làm chao đảo hoạt động canh tác nông nghiệp. Tại vùng Lucani, một trong những nơi sản xuất dầu ô liu chính của Italia, Tổ chức Sản xuất ô liu Lucani cho biết, sản lượng dầu từ quả ô liu của tổ chức này sẽ giảm 95% trong năm 2024. Hiệp hội Nông dân Italia (Coldiretti) cũng phản ánh sản lượng cà chua và quả mọng trên cả nước sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2024 do thời tiết nóng và khô bất thường.

Biến cam kết thành hành động

Điều đáng buồn là trên thực tế, thế giới còn thiếu các hành động thực chất, quyết liệt để hiện thực hóa những tầm nhìn về khí hậu đã được đề ra. Theo thống kê, đến nay, các quốc gia giàu đã cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, vốn được chính thức khởi động tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Song, số tiền cam kết hiện nay không thấm tháp gì so với con số hơn 400 tỷ USD mà giới chuyên gia cho là các nước đang phát triển cần mỗi năm để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Việc các nước giàu chưa sẵn sàng "mở rộng hầu bao" giúp các nước đang phát triển thích ứng biến đổi khí hậu là không khó hiểu khi hàng loạt thách thức đan xen khác như triển vọng kinh tế toàn cầu bấp bênh, các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, mối đe dọa dịch bệnh… đang tạo gánh nặng về tài chính cho các nước giàu. Các quốc gia phát triển, trong đó có Mỹ, từng nêu rõ các khoản đóng góp về tài chính khí hậu phải dựa trên cơ sở tự nguyện và kêu gọi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Saudi Arabia đóng góp nhiều hơn.

Dù gây ra rất ít lượng khí thải toàn cầu, châu Phi đang phải hứng chịu gánh nặng không cân xứng về những thảm họa suy thoái môi trường khi mất khoảng 7 đến 15 tỷ USD mỗi năm do hậu quả của biến đổi khí hậu. Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina cho biết, châu Phi đang nằm trong "tâm bão" của biến đổi khí hậu khi chiếm 9 trong số 10 quốc gia trên toàn cầu dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng này, nhưng châu lục này chỉ nhận được 30 tỷ USD mỗi năm để thích ứng, trong khi nhu cầu về tài chính khí hậu là 277 tỷ USD.

Hội nghị COP29 diễn ra ở Azerbaijan vào cuối năm 2024 vạch ra nhiệm vụ chính là thống nhất về mục tiêu tài chính khí hậu mới, qua đó hỗ trợ các nước đang phát triển đầu tư chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các chính phủ không những phải nhất trí về hành động khí hậu mạnh mẽ hơn mà còn cần chỉ ra chính xác cách thực hiện chúng, bởi Trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu". Điều quan trọng là các quốc gia cần biến cam kết thành hành động cụ thể, thực chất, kiên trì và quyết liệt để bảo vệ môi trường sống khi khí hậu toàn cầu đang dần đi đến giới hạn đỏ.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày