Thứ 7, 23/11/2024, 13:53[GMT+7]

Thủ tướng Tây Ban Nha công du Tây Phi: Xử lý tận gốc cuộc khủng hoảng

Thứ 6, 30/08/2024 | 11:23:47
2,037 lượt xem
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đang thực hiện chuyến công du thứ 2 tới Tây Phi chỉ trong vòng chưa đầy 7 tháng qua. Diễn ra trong bối cảnh Tây Ban Nha đang oằn mình chống chọi làn sóng người di cư bất hợp pháp, chuyến công du của ông Sanchez nhằm tìm hướng xử lý tận gốc cuộc khủng hoảng đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân tại Xứ sở bò tót.

Người di cư cập cảng La Restinga ở El Hierro thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, ngày 31/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không khó để lý giải vì sao Mauritania, Gambia và Senegal được lựa chọn là các điểm dừng chân của Thủ tướng Pedro Sanchez trong chuyến công du đến Tây Phi. Ba quốc gia ven biển này từ lâu đã trở thành địa điểm lý tưởng để những kẻ buôn người hạ thủy những chiếc thuyền gỗ thô sơ chở người di cư bất hợp pháp vượt biển đến “miền đất hứa” châu Âu.

Là một trong những “tuyến đường chết chóc” do có nhiều dòng chảy mạnh, nhưng tuyến di cư từ châu Phi qua Đại Tây Dương đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha ngày càng trở nên nhộn nhịp, trong bối cảnh các con đường khác qua Địa Trung Hải bị siết chặt kiểm soát. Hằng năm, hàng chục nghìn người di cư bất hợp pháp mạo hiểm lựa chọn tuyến hành trình nguy hiểm này để chạy trốn đói nghèo, bạo lực và tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Lục địa già.

Thời gian gần đây, làn sóng di cư bất hợp pháp tăng đột biến. Gần như mỗi ngày, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha đều giải cứu thuyền chở người di cư từ châu Phi. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 22.300 người di cư từ Tây Phi đến Canary, tăng 126% so mức cùng kỳ năm 2023. Đáng lo ngại, số lượng người di cư đến Tây Ban Nha được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong mùa thu này, khi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho hành trình vượt biển. Người đứng đầu vùng Canary Fernando Clavijo cảnh báo, quần đảo này đang đứng bên “bờ vực sụp đổ” với số lượng người di cư có thể lên tới 50.000 người trong năm nay.

Làn sóng người di cư liên tục đổ về đã kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội của Tây Ban Nha. Hiện tại chính quyền Canary phải chật vật để lo nơi ăn chốn ở cho 5.100 trẻ em không có người lớn đi cùng, bất chấp việc các trung tâm chăm sóc trẻ xin tị nạn ở đây chỉ có sức chứa 2.000 người.

Tình hình tại Ceuta và Melilla, hai thành phố thuộc Tây Ban Nha có đường biên giới giáp với châu Phi, cũng không khả quan hơn, khi từ đầu năm đến nay đón số lượng người di cư tăng gấp hai lần cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, các thách thức về bảo đảm an ninh, an sinh xã hội và giải quyết vấn đề nảy sinh với người di cư cũng gây áp lực không nhỏ đối với Chính phủ Thủ tướng Pedro Sanchez, nhất là khi chủ nghĩa dân túy và bài người nhập cư đang ngày càng lan rộng.

Trong khi đó, thảm kịch khi tàu chở người di cư gặp nạn trên hành trình vượt biển vẫn liên tục xảy ra. Giới chức Tây Ban Nha cho biết, những kẻ buôn người thường nhồi nhét người di cư trên những chiếc thuyền gỗ tạm bợ, thô sơ và bỏ mặc họ vượt qua vùng biển có dòng chảy mạnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, nhằm tránh bị phát hiện, chúng chọn đưa người di cư qua những tuyến đường nguy hiểm.

Theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 5.000 người di cư bất hợp pháp đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biển để đến quần đảo Canary. Hầu hết họ khởi hành từ Maroc, Mauritania, Senegal và Gambia.

Tháo ngòi xung đột, cải thiện cuộc sống người dân tại các nước châu Phi được coi là giải pháp gốc rễ cho cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng đang tiếp diễn tại Tây Ban Nha, cũng như nhiều nước châu Âu. Vì vậy, trong chuyến công du đến 3 nước Tây Phi, Thủ tướng Pedro Sanchez dự kiến ký hàng loạt thỏa thuận song phương với các đối tác châu Phi, nhằm tăng cường hợp tác chống nạn buôn người, mở rộng chương trình di cư theo mùa, theo đó cho phép người di cư đến làm việc tạm thời tại Tây Ban Nha, đồng thời công bố các dự án hỗ trợ các nước châu Phi phát triển kinh tế và giáo dục.

Làn sóng người di cư bất hợp pháp hiện nay không phải vấn đề mà một quốc gia hay một khu vực có thể tự mình giải quyết. Bên cạnh nỗ lực của Tây Ban Nha, quốc gia đứng ở tuyến đầu khủng hoảng, Thủ tướng Pedro Sanchez kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Phi cùng chung tay giải bài toán khó này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày