Thứ 7, 09/11/2024, 22:18[GMT+7]

Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu Nghìn Kỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Thứ 5, 05/09/2024 | 08:52:44
7,336 lượt xem
Vùng đất bãi bồi hai bên bờ sông Hóa khu vực chân cầu Nghìn ở thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) trước đây tồn tại 64 lò vôi hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Sau khi tỉnh quyết tâm xóa bỏ những lò vôi này năm 2017, những tưởng người dân địa phương sẽ được trả lại môi trường sống không có ô nhiễm, khói bụi... Tuy nhiên, thực trạng đang diễn ra ở đây lại không phải như vậy.

Bến bãi, trạm trộn, cơ sở sản xuất không phép gây ô nhiễm môi trường mọc lên tại vị trí các lò vôi cũ.

Thời gian vừa qua, theo phản ánh của người dân thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ), sau khi chính quyền xóa bỏ hoạt động của 64 lò vôi, hiện nay khu vực này lại xuất hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, trạm trộn, bến bãi kinh doanh khác cũng gây ô nhiễm không kém.

Nhiều công sức xóa bỏ lò vôi gây ô nhiễm

Chia sẻ với phóng viên về nỗ lực, quyết tâm xóa bỏ lò sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường trước kia, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài cho biết: Ngày 26/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3942/QĐ- UBND phê duyệt đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn, thuộc thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ). Mục tiêu của đề án, đến tháng 8/2017 sẽ xóa bỏ toàn bộ 64 lò vôi với 115 ruột lò tại khu vực này để bảo đảm môi trường và sức khỏe cho người dân, bảo đảm hành lang thoát lũ và hành lang an toàn giao thông quốc lộ 10, khu vực cầu Nghìn. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ xóa bỏ lò vôi. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 8/2017, các chủ lò hoàn thành việc tháo dỡ lò vôi, vận chuyển phế thải đến nơi quy định sẽ được hỗ trợ bình quân từ 264 - 440 triệu đồng/ ống lò. Sau tháng 8/2017, các chủ lò thực hiện tháo dỡ sẽ không được hỗ trợ. Ngoài ra, người lao động hoạt động tại đây cũng được hỗ trợ kinh phí, trong đó 1.413 lao động thường xuyên nhận mức hỗ trợ 6 tháng lương thực, tương ứng 1,6 triệu đồng/người/tháng; 143 lao động không thường xuyên nhận mức hỗ trợ 4 tháng lương thực, tương ứng 1,1 triệu đồng/người/tháng. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 59 tỷ đồng.

“Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan, huyện Quỳnh Phụ và thị trấn An Bài, đến cuối năm 2017, toàn bộ 64 lò vôi với 115 ruột lò tại khu vực cầu Nghìn đã được tháo dỡ trong sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân” - ông Chiến cho biết thêm.

Bà Vũ Thị Hoài, tổ dân phố số 2, thị trấn An Bài phải dùng băng keo dính các khe cửa sổ để ngăn bụi và tiếng ồn.

Vi phạm mới trên đất lò vôi cũ

Có mặt tại khu vực đất lò vôi cũ ở chân cầu Nghìn (phía đê tả sông Hóa), chúng tôi ghi nhận tình trạng xe bồn bê tông, xe tải chở vật liệu xây dựng nhãn hiệu bê tông Tuấn Thúy ra vào nườm nượp, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. 

Ông X, một người dân sinh sống gần khu vực chân cầu Nghìn cho biết: Trước kia lò vôi còn hoạt động, mặc dù ô nhiễm, khói bụi nhưng họ còn bố trí người dọn dẹp, vệ sinh; bây giờ xe tải chở vật liệu không che chắn gì, có khi còn ô nhiễm hơn.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại khu đất bến bãi thuộc Công ty Bê tông Tuấn Thúy, tổ dân phố số 2, thị trấn An Bài, nằm trên hành lang an toàn đê tả sông Hóa, không khỏi choáng ngợp bởi quy mô đồ sộ, rộng hàng nghìn mét vuông với bãi tập kết vật liệu xây dựng chất cao như núi... Theo quan sát, có 2 - 3 trạm trộn mang nhãn hiệu bê tông Tuấn Thúy đang hoạt động tại khu vực này. Bên trong bến, các trạm trộn hoạt động với công suất lớn, từng đoàn xe bồn trọng tải lớn, nhỏ ra vào nườm nượp qua tuyến đường độc đạo dẫn vào khu dân cư trước kia. Điều đáng nói, các trạm trộn này không có khu vực xử lý nước thải bê tông, các chất phụ gia và nước thải đều không được xử lý mà xả trực tiếp ra sông Hóa, gây ô nhiễm môi trường.

Bà Vũ Thị Hoài, trú tại tổ dân phố số 2, thị trấn An Bài bức xúc: Nhà tôi ở ngay phía dưới chân cầu Nghìn, hầu như phải đóng cửa 24/24 giờ vì ô nhiễm, khói bụi. Lúc nào xe chở vật liệu, xe bồn chở bê tông tươi cũng tấp nập ra vào chân cầu gây khói bụi mù mịt, nguy cơ mất an toàn giao thông. Những tưởng lò vôi xóa bỏ xong nhân dân sẽ được trả lại môi trường sống trong lành, ai ngờ vi phạm mới lại mọc lên.

Bến bãi, trạm trộn không phép; nhà xưởng xây dựng kiên cố vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đê tả sông Hóa.

Điều đáng nói, theo nội dung biên bản làm việc ngày 6/4/2024, đoàn kiểm tra của UBND thị trấn An Bài do ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn làm trưởng đoàn thì người đại diện của Công ty Bê tông Tuấn Thúy là ông Nguyễn Trọng Núi (trú tại xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ như hợp đồng thuê đất, mua đất (nếu có), giấy phép kinh doanh, đăng ký kinh doanh, giấy phép môi trường, thủ tục phòng cháy, chữa cháy trên diện tích đất khoảng 4.000m2 mà Công ty này đang hoạt động. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động và có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng. Tuy nhiên, đến thời điểm này (tức là sau hơn 4 tháng), bến bãi và các trạm trộn của Công ty Bê tông Tuấn Thúy vẫn ngang nhiên hoạt động. Tại sao một trạm trộn bê tông quy mô lớn, hoạt động trong thời gian dài mà không hề có bất cứ thủ tục giấy tờ gì? Ngoài việc phá vỡ mặt bằng, ảnh hưởng đến hành lang đê, gây ô nhiễm môi trường thì còn thất thoát nghĩa vụ tài chính với nhà nước (nộp thuế)... Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ việc này.

Theo tài liệu được cung cấp, tổng diện tích khu vực sản xuất vôi trước đây và kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu cầu Nghìn là 106.746m2, toàn bộ diện tích này nằm ngoài bãi đê hai bên bờ sông Hóa. Không chỉ dừng lại ở hoạt động của bến bãi vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông không phép, khu vực này đang trở thành nơi tập kết, thu gom phế liệu, tái chế bao bì nhựa... Điểm chung của các cơ sở sản xuất, kinh doanh này là đều không cung cấp được hồ sơ, giấy phép kinh doanh... nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải trực tiếp ra sông Hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân địa phương.

Nguyễn Thơi