Thứ 7, 09/11/2024, 22:27[GMT+7]

Phòng, chống dịch bệnh sau mưa, bão

Thứ 6, 13/09/2024 | 09:01:26
2,818 lượt xem
Bão số 3 và mưa lớn ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Một số khu vực trên địa bàn tỉnh bị ngập, nước tràn vào nhà dân, điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Đường trước nhà chị Nguyễn Thị Thu Hiền, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) bị ngập, có lúc mang theo cả rác vào. Ảnh chụp ngày 10/9

Sáng thức dậy, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Bách Thuận (Vũ Thư) bàng hoàng trước cảnh ngõ, vườn của gia đình bị ngập. Chỉ sau một đêm, nước lai láng trước cổng, có chỗ đường ngập sâu. Chị chia sẻ: Nhìn cảnh nước ngập mà lòng tôi trĩu nặng. Gia đình tôi và vài hộ xung quanh có nuôi lợn. Dù số lượng không nhiều nhưng nước ngập đục ngàu cộng thêm nước ở chuồng nuôi, bể chứa phân nên cũng sợ mắc bệnh về da khi phải đi lại, lội nước liên tục. Rất may đã có điện và có nước máy sử dụng chứ không lại lo bệnh về đường tiêu hóa. 

Cùng chung nỗi lo dịch bệnh mùa mưa, bão, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cũng thấp thỏm khi sáng ngày 10/9 nước đã ngập khu vực trước cửa nhà. Chị cho biết: Nước ngập có lúc mang theo cả rác vào trước cửa. Lo con bị bệnh về da nên sau khi con đi học về tôi phải vệ sinh, rửa tay chân bằng xà phòng cho cháu. 

Trước tình hình ngập lụt, nguy cơ một số bệnh về da, đường tiêu hóa và dịch bệnh truyền nhiễm hiện hữu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã có văn bản tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm và bảo đảm công tác khám chữa bệnh sau bão. Sở Y tế đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc-xin phòng bệnh và phòng, chống ngộ độc thực phẩm; triển khai công tác vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thông tin kịp thời, chính xác đến cơ quan y tế về ca nghi mắc bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm để làm tốt công tác xử lý dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, giảm tối đa ca mắc, tử vong... Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị y tế tổ chức tổng vệ sinh môi trường, rà soát cơ sở vật chất đưa cơ quan, đơn vị hoạt động trở lại bình thường. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rà soát, phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão, khu vực ngập lụt, khu vực nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh; xây dựng các phương án đáp ứng theo các tình huống; tăng cường hoạt động kiểm tra, ngoại kiểm chất lượng nước sạch; giám sát và hướng dẫn, hỗ trợ trung tâm y tế huyện, thành phố xử lý nước, vệ sinh môi trường tại các gia đình, khu vực bị ngập lụt; đồng thời chủ động dự trù, tiếp nhận, phân bổ thuốc, hóa chất, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường... Các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, củng cố, sẵn sàng các điều kiện cần thiết bảo đảm chẩn đoán, cách ly, thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm; thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế mùa mưa lũ. 

Một số khu vực của xã Bách Thuận (Vũ Thư) bị ngập khiến người dân thêm nỗi lo dịch bệnh sau mưa, bão. Ảnh chụp ngày 10/9 

Là đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình dịch bệnh ở những khu vực nguy cơ, sẵn sàng, chủ động triển khai phương án phòng, chống dịch. Chỉ đạo triển khai, giám sát, phát hiện các dịch bệnh truyền nhiễm; rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân phòng bệnh. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp 775kg Cloramin B cho các đơn vị để phòng, chống dịch bệnh. Đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trong và ngoài công lập khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm, yêu cầu thông báo, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để theo dõi, giám sát, cập nhật trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Các địa phương tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom xử lý vật phế thải, xác, phân động vật, xử lý nước sinh hoạt vùng ngập úng... 

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong và sau mưa, bão thường xảy ra một số bệnh như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh do véc-tơ truyền, bệnh hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tả, lỵ, thương hàn)... Nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Các biện pháp cấp bách các ngành, địa phương, đơn vị cần làm để phòng bệnh mùa mưa bão gồm: Hướng dẫn và vận động nhân dân ăn chín, uống chín, dùng Cloramin B hoặc những hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước trước khi sử dụng; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; giám sát và quản lý các kho hóa chất sử dụng trong nông nghiệp hoặc y tế, tránh để phát tán ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm; kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng tại các vùng có nguy cơ để đề phòng dịch sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh dịch khác do côn trùng truyền bệnh...

Hoàng Lanh