Chủ nhật, 24/11/2024, 01:31[GMT+7]

Nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Thứ 5, 12/05/2022 | 14:39:48
3,850 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Các tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam với tiến trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết khi phát biểu khai mạc Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" ngày 12/5.

Nhiều dấu hiệu khởi sắc

Đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng qua 4 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế nước ta về cơ bản tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. 

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Điều đáng mừng là quý I/2022, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. 

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Bên cạnh những dự báo lạc quan, khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, "bức tranh" kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, từ đầu năm đến nay, nước ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Cũng tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025. 

Theo tính toán của Chính phủ khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trên, việc thực hiện Chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.

Dự báo cần chuyên sâu, đa chiều và tận dụng "phao cứu sinh" để tránh biến động

Cho rằng bên cạnh những dự báo lạc quan, chúng ta rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh "bức tranh" kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu, đa chiều. 

"Đây là những nỗ lực rất cần thiết, nhằm góp sức cho công tác hoạch định chính sách cũng như hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra", ông Phương nhán mạnh.

Trong bối cảnh mới nhiều thách thức, để tận dụng hiệu quả một trong những "phao cứu sinh" là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu gợi ý, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. 

Cụ thể, thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

"Mỗi doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới", ông Hiếu chia sẻ quan điểm./.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày