Chủ nhật, 10/11/2024, 05:39[GMT+7]

Tăng thứ hạng chỉ số PCI và quyết tâm của Thái Bình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ 2, 17/04/2023 | 08:36:27
3,912 lượt xem
Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình đạt 65,78 điểm, tăng 19 bậc và tăng 3,47 điểm so với năm 2021, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số điểm cao nhất từ trước đến nay và sự tăng hạng vượt bậc so với năm 2021 đã thể hiện quyết tâm của Thái Bình trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (cụm công nghiệp Tân Minh, huyện Vũ Thư). Ảnh: Khắc Duẩn

PCI tăng cả về điểm số và thứ hạng

Trong 10 chỉ số thành phần, Thái Bình có 6 chỉ số có mức điểm đánh giá tăng so với năm 2021 đó là: gia nhập thị trường tăng 1,02 điểm, tiếp cận đất đai tăng 0,83 điểm, chi phí không chính thức tăng 0,42 điểm, tính năng động tăng 0,13 điểm, đào tạo lao động tăng 0,76 điểm và thiết chế pháp lý tăng 1,76 điểm. Đáng chú ý, có một số chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao như: thiết chế pháp lý đạt 8,5 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc; tính năng động đạt 7,2 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc; đào tạo lao động đạt 6,29 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc. Đặc biệt, Thái Bình đã được xếp vào top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022.

Đánh giá về chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh, bà Phan Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cho biết: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Chính vì thế, từ một gia đình sản xuất bánh kẹo truyền thống phân phối trực tiếp cho các cửa hàng, đại lý, đến nay Công ty đã không ngừng mở rộng phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 300 lao động địa phương với thu nhập trung bình 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty đã cho ra thị thường gần 200 sản phẩm với nhiều dòng bánh như: bánh Pie, bánh Cracker, bánh Cookies, bánh Custard, kẹo cứng, kẹo mềm, thạch các loại, bánh trung thu… Các sản phẩm đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước; đồng thời xuất khẩu đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường tiềm năng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc...

Sản xuất tại Công ty TNHH Bảo hộ lao động Lan Phú, cụm công nghiệp Đông La (Đông Hưng). Ảnh: Khắc Duẩn 

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Sự tăng hạng của tỉnh trong bảng chỉ số PCI năm 2022 đã chứng minh những nỗ lực cũng như sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào tỉnh. Năm 2021, PCI của tỉnh chỉ đạt 62,31 điểm, đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố; giảm 1,71 điểm và giảm 22 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước. Sự thụt lùi về thứ hạng cũng như số điểm PCI của năm 2021 đã trở thành chủ đề được đưa ra thảo luận trong nhiều cuộc họp của tỉnh cũng như của các sở, ban, ngành; tập trung đi sâu vào phân tích nguyên nhân giảm số điểm của từng chỉ số thành phần từ đó đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Cùng với đó, tỉnh còn tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến 3 cấp tới 269 điểm cầu trong toàn tỉnh bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số PCI; trong đó các chuyên gia đã phân tích tỉ mỉ, chỉ ra những việc cần làm, cần khắc phục của các cấp, ngành, địa phương trong việc cải thiện chỉ số PAR INDEX và PCI đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm, cách làm hay trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố. 

Công tác cải cách hành chính cũng được Thái Bình quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Một trong những việc làm tích cực đó là thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình đồng thời ra mắt Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng zalo. Qua trang thông tin, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của tỉnh nắm bắt được ý kiến, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và kịp thời giải quyết nhanh gọn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. 

Ông Đỗ Văn Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh cho biết: Đến nay, trên ứng dụng zalo đã có hơn 4.608 lượt người dân và doanh nghiệp truy cập, đặt câu hỏi về các thủ tục về đầu tư, các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình cũng như các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn đưa vào hoạt động tổ công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp gồm 31 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, hoạt động theo phương châm: tư vấn hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; thực hiện đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI), gắn kết quả đánh giá DDCI với việc cải thiện năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; ban hành kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh...

Với sự quyết tâm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, hướng đến sự hài lòng, thành công của doanh nghiệp khi đầu tư tại địa phương, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Minh Hương 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày