Thứ 7, 23/11/2024, 14:14[GMT+7]

Chính quyền và doanh nghiệp cùng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thứ 3, 26/09/2023 | 15:19:38
6,203 lượt xem
Với mong muốn không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục đích thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, sáng ngày 26/9, UBND tỉnh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị tăng cường sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị.

Video: 26923_-_HOP_TAC_CHINH_QUYEN_VA_DN.mp4?_t=1695724074

 

Các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và hơn 100 doanh nghiệp dự hội nghị. 

Về phía VCCI có ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI và các chuyên gia Ban Pháp chế VCCI.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị. 

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chia sẻ một số thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Bình thời gian qua. Nổi bật, kết quả PCI năm 2022 của tỉnh đạt 65,78 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 19 bậc so với năm 2021. Trong đó có một số chỉ số thành phần xếp thứ hạng cao như chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 2 toàn quốc; chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh và chỉ số đào tạo lao động xếp thứ 14 toàn quốc.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. 

Mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, tuy nhiên đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng tỉnh vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Vì vậy việc bàn, triển khai những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là tăng cường sự kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. UBND tỉnh mong muốn nâng cao mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp; các nội dung của hội nghị giúp lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương nhìn nhận tầm quan trọng, quy trình, cách thức triển khai thực hiện để tăng cường sự kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có tầm nhìn bao quát, đồng hành cùng chính quyền; giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ như tìm hiểu về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thông tin thị trường, đào tạo, tư vấn, maketing, công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh…

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, các chuyên gia phân tích, giải đáp; sau hội nghị mỗi sở, ngành, địa phương quán triệt các nội dung, kịp thời tham mưu, áp dụng trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính nói chung và các chỉ số thành phần PCI nói riêng. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, huyện cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các chuyên gia chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm trong xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các đại biểu dự hội nghị. 

Chủ động tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp


Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Đức Trọng, chuyên gia Ban Pháp chế VCCI, chuyên gia dự án PCI nhấn mạnh: Chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền là tiêu chí mà doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm, nhìn vào để đưa ra quyết định đầu tư vào địa bàn hay không. PCI cũng góp phần nâng cao vai trò của doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cùng chính quyền xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Ông Trương Đức Trọng, chuyên gia Ban Pháp chế VCCI, chuyên gia dự án PCI phát biểu tại hội nghị. 

Phân tích về chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Thái Bình dưới góc nhìn doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, ông Trương Đức Trọng đánh giá cao sự quyết tâm cũng như cách thức triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Thái Bình thời gian qua. Sự chuyển biến tích cực từ thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giao dịch hành chính, chống nhũng nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính đến minh bạch, công khai thông tin, xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã đưa Thái Bình trở thành một trong những tỉnh có tốc độ bứt phá trên bảng xếp hạng PCI của cả nước.

Song bên cạnh những ưu điểm, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Bình vẫn còn một số hạn chế và thiếu tính bền vững, chuyên gia khuyến nghị: Tỉnh cần tiếp tục duy trì cam kết thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau, thuận lợi cho doanh nghiệp; giảm thiểu phiền hà về thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hơn nữa; hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp trong đó có thực thi các chính sách; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường truyền thông.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội nghị. 

Về cải thiện PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ xu hướng đầu tư trên thế giới và mô hình thành công tại một số tỉnh, thành phố trong nước. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu thông tin về doanh nghiệp, kết quả thu hút đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Tỷ lệ doanh nghiệp trên bình quân đầu người và giá trị thu hút đầu tư FDI của Thái Bình còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng, tỉnh cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa và bền bỉ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh kết hợp xúc tiến đầu tư.

Để Thái Bình vươn lên trong nhóm đầu PCI, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị: Chúng ta cần chuyển tư duy của chính quyền từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sang tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động bằng những chuyển đổi trên thực tế như thái độ phục vụ của các phòng, ban, ngành, đội ngũ công chức; có chính sách hỗ trợ thiết thực; rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp về tư duy, tốc độ kinh doanh - tốc độ hành chính và khoảng cách về niềm tin.

Dựa trên chất lượng điểm các chỉ số thành phần PCI của Thái Bình, các chuyên gia cho rằng tỉnh cần cải thiện, nâng cao hơn nữa về công khai, minh bạch thông tin; chính quyền các cấp vào cuộc và có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chủ động hơn; phát huy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng văn hóa hành chính thân thiện, trách nhiệm, hiệu quả, đây là quyền lực, sức mạnh mềm chinh phục, thu hút các nhà đầu tư đến Thái Bình hợp tác cùng phát triển.

Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày