Thứ 7, 23/11/2024, 11:00[GMT+7]

Đông Hưng: Địa bàn giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư

Chủ nhật, 17/12/2023 | 22:05:44
6,149 lượt xem
Tại Thái Bình, bên cạnh hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và thành phố Thái Bình là điểm sáng thu hút đầu tư, huyện Đông Hưng cũng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư. Với nhiều lợi thế và sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương, đây là địa bàn giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Sản xuất tại Công ty TNHH Bảo hộ lao động Lan Phú (cụm công nghiệp Đông La, Đông Hưng).

Huyện Đông Hưng nằm sát thành phố Thái Bình - trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh và tiếp giáp với các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà. Toàn huyện hiện có 1 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp, tổng diện tích đất quy hoạch hơn 600ha tạo ra quỹ đất phát triển công nghiệp tương đối lớn. Phần lớn các cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng và được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đủ các tiêu chí thu hút dự án thứ cấp vào hoạt động như hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp và thoát nước, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống cây xanh... 

Ông Bùi Hoàng Khánh, Phó Giám đốc liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình - nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Đông La cho biết: Nằm ở vị trí vàng và được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nên chỉ sau gần 2 năm cụm công nghiệp Đông La đã thu hút được 69 dự án thứ cấp với tổng vốn thực hiện đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp giai đoạn I gần 100%. Các dự án thứ cấp chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc, giày da, cơ khí chế tạo, chế biến gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động.

Cụm công nghiệp Đô Lương nằm ven đường Thái Hà thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải nguyên liệu sản xuất, đưa hàng hóa đi tiêu thụ trong và ngoài nước. 

Nhìn tổng thể, hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hưng được quy hoạch bố trí bảo đảm mật độ vùng nhằm phát triển đồng đều kinh tế - xã hội và phát huy nguồn lao động tại chỗ các địa phương, đồng thời giúp doanh nghiệp tuyển dụng dễ dàng và hạn chế xung đột nguồn nhân lực giữa các dự án. Các cụm công nghiệp bám sát một số trục giao thông huyết mạch như quốc lộ 10, quốc lộ 39, đường Thái Hà, đường ĐH.45... kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Ông Ninh Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Lương chia sẻ: Cụm công nghiệp nằm gần các quốc lộ là một lợi thế, doanh nghiệp vận tải nguyên liệu sản xuất, hàng hóa giao thương trong nước và đi quốc tế thuận lợi. Hàng hóa từ cụm công nghiệp Đô Lương đi Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định chỉ trong khoảng hơn 1 giờ là đến ga tàu, sân bay, cảng biển nên nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đầu tư dự án vào cụm công nghiệp này.

Một thế mạnh khác mà các nhà đầu tư đánh giá cao ở Đông Hưng đó là nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao. Hiện toàn huyện có hơn 35.000 lao động đã qua đào tạo các nghề: máy may công nghiệp, cơ khí, điện, điện tử, thủ công mỹ nghệ. Hàng năm, huyện có thêm khoảng 2.000 lao động mới gia nhập nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các dự án nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ. 

Ông Vũ Quang Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện cho biết: Các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã thu hút được 137 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, sử dụng hơn 15.000 người lao động, chính vì vậy nguồn nhân lực còn rất lớn, các nhà đầu tư đến Đông Hưng yên tâm trong công tác tuyển dụng lao động.

Theo thống kê, huyện Đông Hưng có khoảng 600 doanh nghiệp, hàng nghìn hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế và hơn 20 làng nghề truyền thống. Lực lượng sản xuất đông đảo, lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường lớn trở thành nguồn lực quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến hợp tác cùng phát triển.

Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Innoflow Vina, cụm công nghiệp Đô Lương. 

Hà Thanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày