Thứ 7, 23/11/2024, 10:19[GMT+7]

Đánh thức Thái Bình Bài 2: Đón ánh bình minh

Thứ 3, 19/12/2023 | 08:29:05
5,058 lượt xem
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, uy tín của địa phương ngày càng nâng cao, không lẽ những lợi thế đó mãi ngủ quên, Thái Bình cứ chậm phát triển? Đó là trăn trở của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quê lúa và tất cả đã cùng vào cuộc đánh thức để Thái Bình vươn mình lớn mạnh.

Hàng chục dự án FDI của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Khát vọng vươn lên

Đó là truyền thống của nhân dân Thái Bình có từ thời mở cõi, khai khẩn đất đai, quai đê lấn biển. Khí chất của người Thái Bình còn là kiên cường, bất khuất, không cam chịu nô lệ, đói nghèo, được thắp sáng lên cùng “tiếng trống năm 30” để “phá hết gông xiềng, giành lại những áo cơm”. Đó còn là truyền thống cần cù, sáng tạo của nông dân Thái Bình làm nên “bài ca 5 tấn” từ giữa thế kỷ XX...

Những khát vọng vươn lên được lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Thái Bình trao truyền, phát huy, hướng tới xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã nhìn thấy thời cơ chín muồi và cho rằng: Nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ là giai đoạn để Thái Bình cụ thể hóa khát vọng, xác định những mục tiêu phát triển mới có tính chất đột phá. Cùng với xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Đại hội đặt ra mục tiêu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Để chinh phục các mục tiêu đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và triển khai 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 5 nhiệm vụ trọng tâm và đặc biệt là 3 khâu đột phá phát triển. Theo đó, Thái Bình sẽ tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ; trong đó, tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3 dự án lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình - Hàn Quốc.

Đón ánh bình minh

Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trung ương khi về làm việc tại Thái Bình đều đánh giá, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy trong mỗi người dân, doanh nghiệp lòng tự hào về truyền thống và khát vọng đổi mới phát triển. Bằng nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, cấp ủy, chính quyền các cấp đã động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phát triển, thi đua sản xuất, kinh doanh, chung tay xây dựng Thái Bình giàu mạnh.

Kinh tế - xã hội của Thái Bình trong những năm qua có sự phát triển khá nhanh, toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 ước đạt hơn 68.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 8,56%/năm. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư FDI năm 2023, tổng vốn đăng ký các dự án FDI đầu tư vào tỉnh đạt trên 3 tỷ USD; trên địa bàn tỉnh hiện có 30 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 256 triệu USD.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh


Song song với phát huy nội lực, tỉnh vận dụng linh hoạt, năng động trong thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài tạo thêm sức mạnh mới để phát triển. Từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đi quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nhiều nước có trình độ phát triển cao trên thế giới như Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Italy, Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản... Đặc biệt là Hàn Quốc, các đoàn công tác của tỉnh đã hai lần sang làm việc, xúc tiến đầu tư và thành lập văn phòng xúc tiến tại Seoul. Bên cạnh quảng bá mảnh đất, con người, tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, các hoạt động xúc tiến còn cho các đối tác thấy rõ khát vọng vươn lên, sự thiện chí mời gọi, đón tiếp và thật lòng mong muốn hợp tác đầu tư cùng phát triển của Thái Bình.

Và những trái ngọt đầu tiên đã đến, có nhiều tổ chức đối tác, hiệp hội, doanh nghiệp đến Thái Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư và đã đầu tư hàng chục dự án quy mô lớn với vốn đăng ký đầu tư hàng trăm triệu USD vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng nhiều đơn hàng hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa được ký kết. Các doanh nghiệp FDI ngoài mang nguồn lực đầu tư còn đưa những tri thức, công nghệ tiên tiến của nền công nghiệp 4.0 đến làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong mỗi người dân, doanh nghiệp, tạo ra sự đột phá “thay đổi về chất” cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và trên hết là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi người dân Thái Bình.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày