Thứ 7, 23/11/2024, 11:39[GMT+7]

Thành phố: Hướng tới đô thị xanh, hiện đại

Thứ 4, 01/05/2024 | 08:04:50
15,371 lượt xem
Những năm gần đây, thành phố Thái Bình đặc biệt quan tâm đến quy hoạch đô thị để sớm trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng. Thành phố đã và đang triển khai đồng loạt lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, với cảnh quan kiến trúc hiện đại, xanh, sẽ là điểm nhấn trong quy hoạch đô thị của thành phố Thái Bình.

Thành phố Thái Bình.

Diện mạo đô thị xanh

Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình Đinh Gia Dũng cho biết: Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh, công tác phát triển đô thị được xác định là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, xuyên suốt quá trình đi lên của thành phố Thái Bình. Chính vì vậy, thời gian qua, thành phố đã tập trung, ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống các công trình hạ tầng có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với định hướng trong tương lai. Trung tâm thành phố được cải tạo, chỉnh trang; các khu đô thị (KĐT) mới, khu công viên, cây xanh, thương mại, dịch vụ được phát triển. Nhiều dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã và đang triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ, làm thay đổi diện mạo thành phố, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa của các khu vực lân cận. Các KĐT mới như Trần Hưng Đạo, Kỳ Bá, Trần Lãm đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu; có trên 40% các trục phố chính đô thị đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh 6 quy hoạch phân khu: ven sông Trà Lý, công viên sinh thái, KĐT Vũ Phúc Riverside, phía Bắc đường vành đai, KĐT Hoàng Văn Thái, phía Đông Nam tuyến tránh S1; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực ven sông Trà Lý và điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm thành phố; hoàn thành 3 đồ án quy hoạch phân khu: phía Nam đường Nguyễn Trãi, hai bên đường vành đai, phía Bắc tuyến tránh S1; điều chỉnh chi tiết KĐT mới Kiến Giang; phê duyệt 3 quy hoạch tổng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; khảo sát lập quy hoạch chi tiết nút giao đường Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng...

Cùng với chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị, các khu trung tâm thương mại, đô thị, chung cư..., thành phố cũng dành nhiều khoảng không gian xanh phục vụ cộng đồng. Trong quá trình trở thành đô thị loại I, thành phố xác định kết hợp hài hòa các mục tiêu tăng trưởng với phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường và an sinh xã hội lấy phát triển kinh tế. Trong nhiều công trình lớn về hạ tầng đô thị có phần lớn các công trình công cộng, tiêu biểu như vườn hoa Lê Quý Đôn, công viên Kỳ Bá, Quảng trường 14/10, công viên 30/6, hồ Ty Rượu, Quảng trường Thái Bình, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam... Những công trình này đang góp phần cải thiện diện mạo đô thị thành phố theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc đầu tư bài bản cho hệ thống công viên, tiểu công viên cây xanh là minh chứng rõ nhất cho định hướng phát triển thành phố Thái Bình trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng trong tương lai. Để triển khai đô thị thông minh, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án camera giám sát an ninh. Trong đó, tích hợp, giám sát, vận hành hệ thống tiếp nhận phản ánh tương tác trực tuyến, kết nối các camera giao thông, giám sát an ninh trật tự của thành phố, đầu tư nâng cấp tích hợp quản lý hệ thống điện chiếu sáng thông minh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đáp ứng xu hướng phát triển đô thị số.

Đường Kỳ Đồng.

Vươn tới đô thị thông minh, hiện đại

Trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, mở rộng không gian kiến trúc cảnh quan đô thị phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, bền vững và giữ gìn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của đô thị. Theo đó, thành phố tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng trọng tâm phát triển về phía Đông, hoàn thiện mô hình thành phố hai bên sông Trà Lý, tạo không gian đô thị mở, lợi thế cảnh quan ven sông. Phát triển đô thị từng phần, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tập trung phát triển đô thị phía bên trong tuyến tránh S1 và đường vành đai phía Nam thành phố. Đến năm 2030, phát triển mở rộng không gian thành phố tập trung về phía Đông và Đông Bắc thêm các xã: Đông Dương (Đông Hưng); Tân Phong, Trung An (Vũ Thư); Tây Sơn, An Bình, Quốc Tuấn, Bình Nguyên, Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang (Kiến Xương). Triển khai đầu tư xây dựng các khu công viên sinh thái, công viên cây xanh tập trung trên địa bàn, tạo môi trường xanh, nâng cao chất lượng sống của người dân: Khu công viên sinh thái phường Hoàng Diệu (giai đoạn 2), khu công viên Ổi Bo; quy hoạch, xây dựng khu công viên cấp đô thị tại xã Đông Hòa, phường Phú Khánh (một phần khu công nghiệp Phúc Khánh hiện trạng)...

Cũng theo ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố: Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành trong kêu gọi thu hút đầu tư; tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, có tính đột phá, phát huy các lợi thế khác biệt; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố, của tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch. Chú trọng sắp xếp, lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý và có những giải pháp cụ thể, thiết thực thu hút đầu tư, đặc biệt tranh thủ các nguồn vốn ODA để đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm về thoát nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; đồng thời xác định danh mục các công trình hạ tầng giao thông, các khu du lịch sinh thái... để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức đầu tư hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Huy động nguồn lực của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn, bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.

Cây xanh được trồng trên các tuyến đường.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày