Thứ 7, 23/11/2024, 12:47[GMT+7]

Sức ép bủa vây Chính phủ Đức

Thứ 2, 23/09/2024 | 08:59:14
1,131 lượt xem
Nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, Ðức tuyên bố mở rộng kiểm soát biên giới với tất cả các nước láng giềng. Sức ép đang bủa vây Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz, bởi khó có thể tìm được giải pháp vẹn toàn để vừa giải quyết làn sóng di cư, vừa đáp ứng kỳ vọng của cả người dân Ðức và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Đức tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu biên giới đất liền đối với tất cả 9 nước láng giềng (Ảnh: Reuters)

Việc Ðức, quốc gia từng nhiều lần mở rộng vòng tay chào đón người di cư, quyết định siết chặt kiểm soát biên giới đã làm xôn xao dư luận châu Âu trong những ngày qua. Nhiều trạm kiểm soát được dựng lên để giám sát toàn bộ biên giới trên đất liền của Ðức với tất cả các nước láng giềng. Các biện pháp sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng tới.

Chỉ trong 7 tháng tính từ đầu năm 2024, số người nhập cảnh trái phép vào Ðức đã lên tới khoảng 50.000 người.

Theo Berlin, không còn lựa chọn nào khác cho nên nước này mới phải đưa ra quyết định nêu trên. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser nhấn mạnh, Ðức không thể tiếp nhận thêm người di cư, bởi các nguồn lực dành cho người tị nạn đã gần cạn kiệt khi số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào nước này vượt tầm kiểm soát. Chỉ trong 7 tháng tính từ đầu năm 2024, số người nhập cảnh trái phép vào Ðức đã lên tới khoảng 50.000 người. Chi phí thuê chỗ ở và chăm sóc người tị nạn khiến hệ thống phúc lợi của nền kinh tế hàng đầu EU rơi vào tình trạng quá tải.

Không chỉ khiến gánh nặng tài chính gia tăng, giới phân tích cho rằng, dòng người di cư bất hợp pháp còn đặt ra thách thức về bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa cực đoan.

Thời gian qua, hàng loạt vụ tấn công gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở Ðức. Mới đây nhất là vụ tấn công bằng dao tại thành phố Solingen đã khiến 3 người chết và 8 người bị thương. Nghi phạm được xác định là người Syria, bị nghi có liên quan tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Vụ tấn công là giọt nước làm tràn ly, khiến làn sóng phẫn nộ lan khắp nước Ðức, gây sức ép yêu cầu chính phủ mạnh tay xử lý nạn nhập cư trái phép.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang năm 2025 đang đến gần, sức ép đối với Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz ngày càng tăng. Trong nhiều năm qua, Ðức được ca ngợi là quốc gia hào phóng khi chào đón người tị nạn đến từ Syria, Ukraine và nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, số người tị nạn tăng cao đã gây chia rẽ sâu sắc ở Ðức, khi các dịch vụ xã hội bị quá tải và nỗi lo về an ninh tăng dần do các cuộc tấn công cực đoan liên tiếp xảy ra. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi để phe cực hữu, vốn chủ trương bài người nhập cư, ngày càng thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Giới phân tích nhận định, những bước tiến của phe cực hữu là đòn giáng mạnh vào liên minh cầm quyền tại Ðức. Vì vậy, hành động siết chặt kiểm soát biên giới được coi là bước đi cần thiết để chính phủ xoa dịu làn sóng bất bình, củng cố niềm tin của người dân.

Tuy nhiên, ngay khi các biện pháp kiểm soát biên giới mới được triển khai, Berlin đã đối mặt sự chỉ trích từ các nước EU.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lên án và tuyên bố sẽ triệu tập các cuộc họp tham vấn khẩn cấp với những nước bị ảnh hưởng.

Áo tuyên bố sẽ không tiếp nhận bất kỳ người xin tị nạn nào bị Ðức từ chối.

Lo ngại động thái của Berlin có thể gây ra phản ứng dây chuyền, giới chức EU nhấn mạnh, chỉ nên xem kiểm soát biên giới là giải pháp cuối cùng.

Tuy nhiên, Ðức không phải là quốc gia duy nhất tại EU bị chỉ trích do siết chặt biên giới, mà cả Hungary, Séc và Slovenia cũng trong hoàn cảnh tương tự. Rõ ràng, nạn di cư bất hợp pháp không chỉ gây nhức nhối, mà còn là nhân tố đe dọa khối thống nhất của EU. Từ nhiều năm nay, vấn đề người di cư, tị nạn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong chương trình nghị sự của EU. Song, lời giải cho bài toán hóc búa này vẫn bỏ ngỏ, dẫn đến việc nhiều nước tự tìm giải pháp khắc phục.

Việc Ðức áp dụng kiểm soát biên giới tạm thời do bị nhiều sức ép bủa vây càng cho thấy yêu cầu cấp bách với EU là sớm thống nhất giải pháp, tránh để tình trạng "mạnh ai nấy làm" khiến khối đoàn kết rạn nứt.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày