Chủ nhật, 29/09/2024, 22:24[GMT+7]

Lời kêu cứu từ rừng Amazon

Chủ nhật, 29/09/2024 | 09:45:13
231 lượt xem
Kết quả một nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia về môi trường cho thấy, diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị mất do tình trạng đốt phá rừng trong 40 năm qua tương đương diện tích của hai quốc gia Đức và Pháp cộng lại. Thực trạng đáng báo động này là lời kêu cứu khẩn thiết từ rừng Amazon về việc cần thực thi các biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” của Trái đấ

Diện tích rừng Amazon bị thu hẹp do tình trạng đốt phá rừng.

Diện tích rừng Amazon bị thu hẹp

Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới có diện tích 6,3 triệu km2 trải dài qua chín quốc gia, chiếm hơn 10% đa dạng sinh học của thế giới, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do khả năng hấp thụ khí CO2 từ bầu khí quyển.

Tuy nhiên, diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể, cộng thêm tình trạng hạn hán, các đám cháy rừng kỷ lục thời gian qua khiến lượng khí CO2 được hấp thụ giảm đi nhiều. Nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng thu hẹp diện tích rừng, biến đổi khí hậu và nạn phá rừng do con người gây ra. 

Theo tổ chức nghiên cứu RAISG, gồm nhiều nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ, nạn phá rừng - chủ yếu phục vụ mục đích khai thác mỏ và nông nghiệp - đã làm mất 12,5% diện tích che phủ thực vật của rừng Amazon trong giai đoạn 1985-2023, tương đương 88 triệu ha rừng trải dài qua các nước Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và đảo Guyana thuộc Pháp.

Bà Sandra Rio Caceres, chuyên gia của Viện Lợi ích chung của Peru có đóng góp vào nghiên cứu trên cho biết, diện tích rừng thu hẹp đã khiến khí CO2 tích tụ trong bầu khí quyển nhiều hơn, làm đảo lộn hệ sinh thái khí hậu và chu trình thủy văn, từ đó ảnh hưởng rõ rệt đến tình trạng nhiệt độ tăng. Bà Caceres tin rằng tình trạng mất rừng ở Amazon có liên quan trực tiếp đến nạn hạn hán nghiêm trọng và các đám cháy rừng ở nhiều quốc gia khu vực Nam Mỹ. 

Theo tổ chức nghiên cứu RAISG, gồm nhiều nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ, nạn phá rừng - chủ yếu phục vụ mục đích khai thác mỏ và nông nghiệp - đã làm mất 12,5% diện tích che phủ thực vật của rừng Amazon trong giai đoạn 1985-2023, tương đương 88 triệu ha rừng trải dài qua các nước Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và đảo Guyana thuộc Pháp.

World Weather Attribution (WWA), một tổ chức chuyên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các hình thái thời tiết cực đoan trên thế giới cũng cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các đám cháy rừng ở Amazon và vùng đầm lầy nhiệt đới Pantanal ở phía nam, khiến lượng lớn khí CO2 thải vào bầu khí quyển. Các đám cháy rừng thời gian gần đây ở hai khu vực này được đánh giá là tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua.

Cũng theo các chuyên gia, hạn hán đã làm mực nước tại một số con sông ở khu vực rừng Amazon giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đe dọa cuộc sống của khoảng 47 triệu người sinh sống ven sông, đồng thời khiến cho các đám cháy rừng lan rộng khó kiểm soát. 

Nghiêm trọng hơn, một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí Nature cảnh báo rừng nhiệt đới Amazon đang phải đối mặt hàng loạt áp lực, có thể khiến hệ sinh thái khổng lồ này sụp đổ sau năm 2050. Nạn phá rừng, hạn hán, hỏa hoạn và nhiệt độ tăng cao đã làm xói mòn khả năng chống chịu của rừng Amazon. 

Các nhà khoa học cảnh báo điều này có thể gây ra cái gọi là “điểm bùng phát”, đẩy hệ sinh thái quan trọng này vào quá trình biến đổi theo hướng tiêu cực không thể đảo ngược trong những thập kỷ tới. Trong nghiên cứu trên, nhóm các nhà khoa học quốc tế ước tính, khoảng 47% diện tích rừng Amazon sẽ phải chịu áp lực vào năm 2050, có thể dẫn đến sự thay đổi hệ sinh thái trên diện rộng. Điều này khiến hệ sinh thái quan trọng Amazon không chỉ ngừng hấp thụ mà thậm chí còn giải phóng lượng CO2 đang lưu trữ, qua đó đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu và khiến tác động của biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn. 

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin từ các mô hình máy tính, bên cạnh các quan sát thực tế và các bằng chứng về những thay đổi từ cách đây hàng nghìn năm để mô tả sự phức tạp của hệ thống rừng và xác định các nguyên nhân chính. 

Sau đó, họ phân tích các yếu tố gây căng thẳng này, bao gồm hiện tượng nóng lên toàn cầu, lượng mưa hằng năm, độ dài của mùa khô và nạn phá rừng, để xem chúng có thể tác động riêng lẻ hoặc cùng nhau đến mức độ nào dẫn tới sự phá vỡ hệ sinh thái quy mô lớn. Các nhà khoa học cảnh báo đến năm 2050, Amazon có thể phải đối mặt tình cảnh thiếu nước ở mức độ chưa từng thấy.

Nỗ lực bảo vệ “lá phổi xanh”

Trước thực trạng đáng báo động đối với rừng Amazon, các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn nạn đốt phá rừng, hạn chế diện tích rừng bị phá hủy. Quỹ phát triển rừng nhiệt đới bền vững Amazon (còn gọi là Quỹ Amazon) của Brazil vừa nhận được 640 triệu USD tiền trong đợt quyên góp mới đây. 

Bà Tereza Campello, Giám đốc phụ trách môi trường của Ngân hàng Phát triển quốc gia Brazil (BNDES) - cơ quan quản lý Quỹ Amazon cho biết, số tiền đáng quý trên do các quốc gia phát triển gồm Mỹ, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Đức và Liên minh châu Âu (EU) quyên góp. Riêng 500 triệu USD mà Mỹ cam kết ủng hộ quỹ trong thời gian 5 năm vẫn cần chờ Quốc hội nước này phê duyệt. Quỹ Amazon được thành lập năm 2008, gồm các khoản đầu tư không hoàn lại, phục vụ việc giám sát, phòng, chống nạn phá rừng cũng như thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil. Trong số các dự án được quỹ hỗ trợ có trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế ở thành phố Manaus, miền bắc Brazil, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia lưu vực sông Amazon trong việc quản lý, khai thác rừng và trấn áp tội phạm.

Trong một chuyến thị sát vùng đất ngập nước Pantanal, giáp rừng Amazon, là nơi xảy ra nhiều vụ cháy rừng, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã ký ban hành chính sách kiểm soát hỏa hoạn. Theo đó, nghiêm cấm đốt phá rừng hoặc đốt thảm thực vật bản địa vì mục đích nông nghiệp hoặc các mục đích khác. Đây là một nỗ lực được cộng đồng quốc tế, nhất là các nhóm bảo vệ môi trường, đánh giá cao.

Ông Silva kêu gọi tăng cường linh hoạt và đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các tổ chức tội phạm đang phá rừng Amazon. Tổng thống Brazil cam kết khôi phục chất lượng môi trường của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ sau nhiều năm nạn phá rừng gia tăng; đồng thời cam kết xóa sổ tình trạng này vào năm 2030. 

Trong lễ ký thỏa thuận tại Brasilia về việc cấp 318 triệu real (58,7 triệu USD) để tăng cường an ninh quốc gia ở khu vực Amazon, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh chưa bao giờ trong lịch sử Brazil, việc triển khai các biện pháp đặc biệt để bảo vệ “lá phổi xanh” lại thu hút sự quan tâm lớn như hiện nay. Khoản tiền này nằm trong kế hoạch được khởi động cách đây một năm với tổng ngân sách 1,2 tỷ real (221 triệu USD). 

Với tên gọi “Kế hoạch Amazon: An ninh và Chủ quyền”, sáng kiến nhằm tăng cường thiết bị như tàu thuyền và trực thăng để đấu tranh chống nạn chặt cây và đốt rừng Amazon. 

Kể từ khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức đầu năm 2023, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất. Thành tích đáng khích lệ của Brazil được thế giới ghi nhận và ngày càng có thêm nhiều nước đóng góp ủng hộ Quỹ Amazon.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày