Thứ 4, 13/11/2024, 05:24[GMT+7]

Tranh cãi chưa có hồi kết về hoạt động thu thập thông tin cá nhân người dùng

Thứ 2, 30/09/2024 | 08:49:12
1,415 lượt xem
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cáo buộc các tập đoàn truyền thông xã hội "đút túi" hàng tỷ USD từ hoạt động thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Kết quả điều tra phơi bày thực trạng, các nền tảng mạng xã hội đã đặt lợi nhuận lên trên, xâm phạm nghiêm trọng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người sử dụng cho mục đích quảng cáo.

Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC). Nguồn: techtimes.vn

Báo cáo vừa được FTC công bố, dựa trên cuộc điều tra kéo dài gần bốn năm đối với chín Big Tech, trong đó có những cái tên đình đám như Meta, YouTube, Snap, Twitch thuộc Amazon, TikTok thuộc ByteDance, X (trước đây là Twitter).

Theo kết quả điều tra, FTC phát hiện các tập đoàn này thu thập lượng dữ liệu khổng lồ, thậm chí mua lại của các nhà môi giới dữ liệu, và có thể lưu trữ vô thời hạn thông tin về cả người dùng và những người không sử dụng nền tảng của họ. Tất cả dữ liệu của người dùng được sử dụng cho mục đích quảng cáo thương mại và tiền từ đó chảy vào túi những ông chủ sở hữu các nền tảng mạng xã hội này.

Theo cáo buộc của FTC, hoạt động nêu trên đặt lợi nhuận lên trên quyền riêng tư, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi này và khiến người dùng có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị theo dõi.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các hoạt động thu thập dữ liệu của các hãng này còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng và một số doanh nghiệp thậm chí lờ đi việc phải làm là xóa bỏ dữ liệu cá nhân khi người dùng yêu cầu. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu cũng dấy lên mối lo ngại về mức độ bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Báo cáo kêu gọi các Big Tech hạn chế việc thu thập dữ liệu và hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thông qua luật bảo vệ dữ liệu toàn diện để ngăn chặn tình trạng đánh cắp dữ liệu cá nhân của người sử dụng.

Chủ tịch FTC Lina Khan cho biết, báo cáo nêu rõ cách các nền tảng mạng xã hội và dịch vụ phát video trực tuyến thu thập và kiếm tiền từ khối lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ. Số tiền mà các công ty này kiếm được từ hoạt động này lên đến hàng tỷ USD mỗi năm. Ðiều đặc biệt đáng lo ngại là việc nhiều nền tảng không có bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trên không gian mạng.

Ở chiều ngược lại, Giám đốc điều hành Cục Quảng cáo tương tác Mỹ (IAB) David Cohen bày tỏ thất vọng và phản bác báo cáo nêu trên là sai sự thật, không phản ánh đúng thực tế về quan hệ giữa người dùng và hoạt động quảng cáo kỹ thuật số. Theo ông, nhiều nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng hiểu và chấp nhận "trao đổi" khi họ được tiếp cận thông tin và dịch vụ miễn phí.

Người phát ngôn Google Jose Castaneda khẳng định, tập đoàn này có chính sách bảo mật nghiêm ngặt, không mua bán thông tin cá nhân của người dùng và không sử dụng thông tin nhạy cảm để phục vụ quảng cáo. Ông cho biết thêm Google không sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích quảng cáo với đối tượng dưới 18 tuổi.

Tranh cãi giữa các bên chưa có hồi kết, nhưng những lo ngại về hoạt động thu thập thông tin cá nhân người dùng đã tác động tiêu cực tới nhiều nền tảng mạng xã hội. Một cuộc khảo sát vừa được hãng nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar thực hiện đối với 1.000 doanh nghiệp và 18.000 người dùng ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Theo đó, khoảng 26% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết có kế hoạch cắt giảm chi phí quảng cáo trên mạng xã hội X vào năm 2025, do lo ngại những nội dung mang tính bạo lực và cực đoan trên nền tảng này sẽ hủy hoại thương hiệu của họ.

Theo hãng nghiên cứu Kantar có trụ sở ở London (Anh), tỷ lệ nêu trên là mức lớn nhất từ trước đến nay liên quan việc doanh nghiệp rút hoạt động khỏi bất kỳ nền tảng quảng cáo toàn cầu nào. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ có 4% cho rằng quảng cáo trên nền tảng X bảo đảm an toàn cho thương hiệu của họ. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra câu trả lời tương tự đối với "gã khổng lồ" Google là 39%.

Ứng dụng Telegram là một trong 16 nền tảng truyền thông hay bị lợi dụng trong các vụ lừa đảo đầu tư tại Malaysia, tiếp sau đó là Facebook và WhatsApp. Cục Ðiều tra tội phạm thương mại Malaysia cho biết trong tám tháng đầu năm nay, quốc gia Ðông Nam Á ghi nhận 1.346 vụ lừa đảo đầu tư qua ứng dụng Telegram, gây tổn thất lên tới 29,96 triệu ringgit (gần 7 triệu USD). Facebook và WhatsApp, mỗi nền tảng ghi nhận lần lượt 948 và 873 vụ, tiếp theo là Instagram 146 vụ.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày