Thứ 4, 13/11/2024, 06:47[GMT+7]

Tiếp sức cho "cỗ máy" kinh tế châu Âu

Thứ 2, 07/10/2024 | 11:50:23
1,324 lượt xem
Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19. Theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế "đầu tàu" châu lục là Ðức đang tụt hậu so với các nước trong nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển.

(Ảnh minh họa: Reuters)

Giới phân tích cho rằng, EU cần tăng cường đầu tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh để tăng tốc phát triển.

Trong báo cáo dài 400 trang trình bày tại Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ) mới đây, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã cảnh báo về sự trì trệ và những khó khăn lớn của kinh tế EU.

Ông nhấn mạnh, EU cần thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng Kinh tế mới của OECD cảnh báo rằng, nền kinh tế Ðức đang bị bỏ lại phía sau trong nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển.

Các phân tích từ báo cáo của OECD cho thấy các nền kinh tế lớn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Pháp, Italia và Tây Ban Nha đang vận hành tốt hơn Ðức.

Theo đó, nước này vẫn là một trong những quốc gia công nghiệp phát triển chậm nhất, dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, thấp hơn mức dự báo 0,2% mà OECD đưa ra hồi tháng 5 vừa qua.

Trong số các nước công nghiệp hóa lớn, chỉ có Nhật Bản đứng sau Ðức về chỉ số phát triển với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,1%. Trong khi đó, nền kinh tế của các quốc gia lớn khác trong Eurozone đều được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn đáng kể so với Ðức, như Pháp (+1,1%), Italia (+0,8%) và Tây Ban Nha (+2,8%).

Trong bức tranh kinh tế tương đối u ám của EU, điểm sáng là khả năng khối này sớm đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde bày tỏ niềm tin lạm phát sẽ sớm quay về mức 2%, mở ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 10 tới.

Trang tin Euractiv cho biết bà Lagarde nhận định những diễn biến gần đây về giá cả ở Eurozone đã củng cố niềm tin của ECB về việc lạm phát ở khu vực đồng euro sẽ trở lại mức 2% vào cuối năm 2025.

Trước tình trạng nêu trên, cựu Chủ tịch ECB Draghi cho rằng EU cần đầu tư thêm 800 tỷ euro mỗi năm để vượt qua tình trạng trì trệ hiện tại. Ðây sẽ là khoản đầu tư chưa từng có giúp liên minh này dẫn đầu trong công nghệ mới, đồng thời đạt được nhiều mục tiêu quan trọng khác. Bên cạnh đó, EU cần tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đổi mới hàng đầu và phát triển công nghệ sạch.

Ông Draghi cũng đề xuất điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc EC phê duyệt các thỏa thuận sáp nhập trong ngành công nghệ và quốc phòng. Ðồng thời, EC nên nới quy định quản lý đối với ngành viễn thông và hỗ trợ mở rộng ngành này thông qua việc xem xét thị trường trên toàn EU. 

Nhiều chuyên gia kinh tế của ECB cũng nhất trí cho rằng, cần thiết phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ và đầu tư lớn để đưa nền kinh tế châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Gần đây, ngày càng có nhiều sự đồng thuận trong liên minh về việc cần cải cách ngân sách 1.200 tỷ euro (1.325 tỷ USD), với đề xuất chuyển hướng quỹ từ các khu vực nghèo hơn sang các chính sách hỗ trợ công nghiệp, số hóa và đổi mới.

Tuy nhiên, giới phân tích không lạc quan về việc EU có thể sớm thực hiện các giải pháp "tăng lực" cho nền kinh tế. Ðể thực hiện các giải pháp nhằm tiếp sức cho "đoàn tàu kinh tế" của cả khối, EU cần có sự hợp tác và đồng thuận từ tất cả các chính phủ trong khối cũng như sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp và đầu tư tư nhân. Gần đây EU ít khi tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề tài chính của khu vực.

Một thách thức lớn nữa với kinh tế EU là sự phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; xung đột vũ trang tiếp tục leo thang ở Ðông Âu và Trung Ðông…

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày