Nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long và Hồ Đức Phớc.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để bảo đảm tăng trưởng mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7% thì tăng trưởng điện phải bảo đảm ở mức 10% và năm tới cũng phải ít nhất như vậy trở lên. Nước ta đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước mà để thiếu điện thì không thể được. Vì vậy, các bộ, ngành, đơn vị phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, rút kinh nghiệm việc điều hành điện những tháng mùa khô năm 2023. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; phải có tầm nhìn xa trong giải quyết vấn đề này.
Theo Thủ tướng, trong công tác đầu tư các hạ tầng chiến lược, nhất là sắp tới triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, hay như các dự án đường cao tốc hiện nay thì cần phải huy động tổng lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc mới có thể làm được. Chúng ta phải mạnh dạn làm, trên thực tế, việc này được triển khai hiệu quả, làm với tinh thần vì dân, vì nước.
Thủ tướng khẳng định, chúng ta kiên quyết không để thiếu điện cho năm 2025 bởi nếu để thiếu điện thì chả nhà đầu tư nào muốn vào. Điều đó khẳng định chúng ta đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã nói không thiếu điện là không thiếu điện, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay cần bàn là có giải pháp căn cơ bảo đảm điện cho những năm tới.
Thủ tướng yêu cầu việc thông tin tuyên truyền vấn đề này phải phải chuẩn xác, khách quan; đồng thời biểu dương EVN và các cơ quan liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực điều hành, điều chỉnh các giải pháp cần thiết, phù hợp, cương quyết không để thiếu điện cho năm 2024 và nói chung. "Đến thời điểm này có thể khẳng định là chúng ta sẽ thực hiện được thực hiện được mục tiêu này. Chúng ta cương quyết thực hiện thi công Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong 6 tháng thì trong 6 tháng đã thực hiện được. Đây là tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Trần Hải).
Thủ tướng đặt vấn đề, năm 2025, theo tính toán thiếu hơn 2.000MW, xa hơn nữa, từ năm 2026 trở lên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, điện phải gấp 1,5 lần, do đó, trước hết phải giải quyết về thể chế; Quy hoạch Điện VIII phải điều chỉnh; đa dạng hóa các nguồn điện, tập trung nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi; khắc phục các hậu quả tồn đọng, nhất là các nguồn điện đã đầu tư đang vướng mắc. Quan điểm là Chính phủ nhất quán, xuyên suốt, lãnh đạo chỉ đạo về cung ứng điện luôn đi sớm một bước, vấn đề là có lúc, các cơ quan điều hành giật cục, do đó cần rút kinh nghiệm việc này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải tích cực thực hiện sửa các luật, chể chế liên quan lĩnh vực điện năng; Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các thủ tục chuyển đổi đất rừng cho các dự án điện; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát huy vai trò cơ quan quản lý và sử dụng vốn của các tập đoàn…
* Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 9 tháng năm 2024, EVN đã bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sinh hoạt nhân dân trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng rất cao do kinh tế tiếp tục hồi phục. Trong đó: điện sản xuất và nhập khẩu 9 tháng đạt 232,8 tỷ kWh, tăng 10,97% so cùng kỳ 2023; điện thương phẩm đạt 208,3 tỷ kWh, tăng 11,32% so cùng kỳ năm 2023. Về chỉ đạo điều hành: EVN đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về việc bảo đảm cung ứng đủ điện, điều tiết và huy động hợp lý các nhà máy thủy điện vừa đáp ứng yêu cầu cung ứng điện vừa thực hiện cất, giảm lũ cho vùng hạ du.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện (Ảnh: Trần Hải).
Về bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất điện: EVN đã phối hợp tốt với TKV, Tổng công ty Đông Bắc trong việc cung cấp than cho các nhà máy điện, ưu tiên sử dụng tối đa tối đa than sản xuất trong nước để tăng cường sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với PVN/PVGAS trong việc cung cấp khí tự nhiên và LNG cho phát điện.
Về công tác chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, LNG) cho phát điện năm 2025: theo đó, về cung cấp than, EVN sẽ phối hợp tốt với TKV, Tổng công ty Đông Bắc để cung cấp đủ than cho các nhà máy điện của EVN và các Tổng công ty Phát điện (GENCO).
Về cung cấp khí thiên nhiên và khí hóa lỏng LNG: Theo văn bản số 5500/DKVN-D&NLTT ngày 1/8/2024 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), khả năng cấp khí thiên nhiên trong năm 2025 sẽ bị suy giảm mạnh so với các năm trước đây.
Trong các tháng cuối năm 2024, EVN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty: PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVGas để bảo đảm cung cấp đủ điện các tháng cuối năm 2024.
Trong đó dự kiến 3 tháng cuối năm: Điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 77,06 tỷ kWh, tăng 8,5% so với cùng kỳ; lũy kế cả năm 2024 ước đạt 309,91 tỷ kWh, tăng 10,36% so với năm 2023 và đạt 99,8% kế hoạch năm. Điện thương phẩm ước đạt 67,74 tỷ kWh tăng 6,02% và lũy kế cả năm 2024 ước đạt 276,04 tỷ kWh, tăng trưởng 9,1% so với năm 2023.
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: Trần Hải).
Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang phối hợp với NSMO để xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện và cung ứng điện năm 2025 với các kịch bản:
Kịch bản cơ sở: nhu cầu phụ tải khoảng 339,17 tỷ kWh, tăng trưởng 9,4% so với năm 2024. Kịch bản kiểm tra (để chuẩn bị các giải pháp đảm bảo điện trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục hồi phục mạnh mẽ): nhu cầu phụ tải khoảng 350,97 tỷ kWh, tăng trưởng 13,2% so với năm 2024. Theo đánh giá sơ bộ của EVN, với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp được chuẩn bị từ sớm, việc cung ứng điện năm 2025 cơ bản vẫn được đáp ứng trong đa số các tháng trong năm. Tuy nhiên còn tiềm ẩn một số rủi ro khu vực miền Bắc trong các thời điểm cao điểm cuối mùa khô (giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 nếu nhu cầu tăng đột biến).
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Trần Hải).
Để đảm bảo cấp điện các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, EVN đang tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp như sau: Đối với khối phát điện: phối hợp với NSMO cập nhật nhu cầu huy động các tháng cuối năm 2024 và dự kiến sản lượng năm 2025 để điều chỉnh kế hoạch cung cấp nhiên liệu kịp thời, linh hoạt đảm bảo sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống. Tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia, tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị.
Sau khi nghe báo cáo của một số tập đoàn, tổng công ty, ý kiến của các bộ, ngành, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm cung ứng điện năm 2025 và những năm tiếp theo; đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp; hoan nghênh nỗ lực của EVN, PVN, TKV và các tập đoàn, tổng công ty khác trong bảo đảm cung ứng điện. Thủ tướng khẳng định, chúng ta bảo đảm đúng cam kết năm 2024 không để thiếu điện; đây là một cố gắng lớn, đồng thời qua đây đã rút kinh nghiệm từ sự cố thiếu điện năm 2023; từ đó, cho thấy việc điều hành không được, vận hành không tốt thì phải xử lý công tác cán bộ, việc này cần phải được làm tiếp trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, hiện nay, nguồn điện chưa có gì thay đổi so năm 2023 nhưng nguồn cung được bảo đảm; chúng ta bảo đảm điện trong năm 2024 với công suất tăng lên 11-13% so năm 2023; trong khi nguồn chưa tăng, điều đó chứng tỏ công tác điều hành tốt hơn. Thủ tướng cũng biểu dương thời gian qua, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là hoàn thành Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối, góp phần cung ứng bổ sung nguồn điện cho miền bắc.
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Trần Hải).
Nhận định về tình hình cung ứng điện năm 2025, cần phải tăng thêm 2.500MW công suất, Thủ tướng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn; đồng thời yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025, phải có giải pháp cụ thể: theo đó, chúng ta đã hoàn thành và ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp; trong ngay hôm nay (19/10) phải ban hành Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; cùng với đó hình thành, phát triển ngành công nghiệp điện năng lượng tái tạo, hướng vào sử dụng nguồn điện sạch, thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn; sớm hoàn tất việc mua điện của Lào với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; nhập khẩu thêm điện của Trung Quốc; các đường dây tải điện từ Lào và Trung Quốc về phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên phải hoàn thành trong thời hạn 6 tháng; Đường dây 220kV Nậm Sum-Nông Cống phải hoàn thành trong năm 2024.
Về than, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn TKV phải có kế hoạch khai thác dài hạn trong 5 năm, tập trung khai thác than nhiều hơn nữa, giảm nhập khẩu; cân nhắc mở đường mua than của phía Lào, qua đó góp phần tăng cường kết nối chiến lược 2 nền kinh tế, do đó Nhà nước, TKV sẽ cùng nghiên cứu cùng đầu tư. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tập trung hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi) trình trong kỳ họp thứ 8 này.
Để bảo đảm cung ứng điện giai đoạn 2026-2030 với nhu cầu tăng trưởng dự kiến 12-15%, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn căn cứ mục tiêu này xây dựng các kịch bản không để thiếu điện bất cứ giá nào; nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân, đa dạng hóa các nguồn điện ngoài các nguồn điện truyền thống. Liên quan thủy điện, Thủ tướng yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan điều tiết hài hòa để vừa bảo đảm phát điện cho cao điểm mùa khô tháng 5 và 6, vừa bảo đảm tưới tiêu.
Đối với các nguồn điện liên quan khí, LNG, Thủ tướng yêu cầu tính toán giá điện phù hợp theo cơ chế thị trường và tình hình cụ thể của đất nước, hài hòa lợi ích giữa các bên, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng khẳng định quyết tâm, quyết liệt chuyển từ nguồn điện than sang điện sạch, góp phần chống biến đổi khí hậu, tích cực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nguồn điện sạch.
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của EVN, PVN…tại cuộc họp, Thủ tướng tin rằng, với tất cả các giải pháp, sự đổi mới cách tổ chức, cách làm của các chủ thể liên quan, thì giai đoạn 2026-2030, chúng ta có thể bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, đồng thời lưu ý bảo đảm 5 yếu tố (nguồn, lưới, phân phối, sử dụng điện, giá điện…) để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa bảo đảm tăng trưởng xanh, giá điện phù hợp cho người dân trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026