Thứ 7, 23/11/2024, 18:32[GMT+7]

Đề xuất cấm thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai

Thứ 3, 22/10/2024 | 17:38:45
1,224 lượt xem
Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ đồng tình với quy định nghiêm cấm hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp chiều 22/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Mở rộng khái niệm để xử lý hiệu quả tội phạm mua bán người

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về phòng chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật đã mở rộng hơn một số nội dung so với Bộ luật Hình sự và pháp luật hiện hành, trong đó có nội dung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ cần yếu tố hành vi và mục đích là đã bị coi là mua bán người và như vậy, họ cũng được bảo vệ như người dưới 16 tuổi. Quy định này cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với khái niệm “mua bán người” được quy định rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự sẽ làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nhằm xử lý hiệu quả hơn loại tội phạm này và nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về phòng chống mua bán người. Đồng thời, để bảo đảm tính nghiêm minh và tăng cường công tác phòng ngừa, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật còn có nội dung rộng hơn quy định của một số điều ước quốc tế, như: bổ sung mục đích vô nhân đạo khác, thủ đoạn khác.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh. Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Quang cảnh phiên họp chiều 22/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Về khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (khoản 6 và khoản 7 Điều 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu quy định theo hướng nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người thì sẽ rất khó chứng minh trên thực tế, không bảo đảm tính khả thi.

Vì vậy, việc xác định nạn nhân cần phải dựa trên tiêu chí cụ thể, như bị xâm hại bởi hành vi mua bán người và được cơ quan có thẩm quyền xác định. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rộng hơn so với yêu cầu của các điều ước quốc tế trong việc hỗ trợ cả người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, đề nghị cho giữ như trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 8 chương và 65 điều (giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều). 


Đồng tình với đề xuất cấm thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai

Sau khi nghe Báo cáo, nhiều đại biểu đã bày tỏ đồng tình với quy định liên quan đến đề xuất cấm thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) ghi nhận, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu, bổ sung chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng đã được đại biểu góp ý tại kỳ họp thứ 7, chẳng hạn đã bổ sung làm rõ hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai…

Đại biểu Thạch Phước Bình nêu ý kiến tại phiên làm việc chiều 22/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Trong khi đó, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cũng ghi nhận việc dự thảo đã quy định nội dung nghiêm cấm mua bán trẻ em ngay từ trong bụng mẹ. Đại biểu cho rằng quy định này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em.

Theo đại biểu, các đối tượng phạm tội thường tìm đến những người phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa rồi dụ dỗ ra nước ngoài để sinh con, bán để lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác. Theo đại biểu Thái Thị An Chung, việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em. Tuy nhiên, việc xử lý khó khăn vì hiện Bộ luật Hình sự chưa có các quy định liên quan.

Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em, thì việc bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

“Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của các công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Chung cũng cho rằng, quy định này vẫn chưa đủ vì hành vi mua bán nói trên còn có thể hướng tới việc sử dụng mô, tạng… và nhiều mục đích phi nhân đạo khác. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về nghiêm cấm “mua bán bào thai người”, đồng thời bổ sung pháp luật có liên quan (chẳng hạn pháp luật hình sự).

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng quy định này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Liên quan thủ tục tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng dự thảo gộp chung thủ tục đến trình báo khi người trình báo là nạn nhân với người đến trình báo là đại diện của nạn nhân là chưa hợp lý.

Đặc biệt, đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng điều chỉnh là nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài là người Việt Nam nhưng không có quốc tịch vì không đủ giấy tờ…

“Hiện dự thảo mới chỉ quy định là người nước ngoài và người Việt Nam mà bỏ sót đối tượng người chưa có quốc tịch”, đại biểu Thái Thị An Chung băn khoăn.

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc các quy định về nạn nhân, việc bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới...

Dự án Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng để thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày