Thứ 4, 13/11/2024, 05:23[GMT+7]

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật

Thứ 4, 23/10/2024 | 16:17:58
11,871 lượt xem
Sáng 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, đã tổ chức một số cuộc tọa đàm khoa học và nhiều cuộc làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và bám sát tư tưởng, chính sách đã được Quốc hội thông qua ngay từ đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào một số vấn đề như: Các biện pháp xử lý chuyển hướng và thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; về các thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên; về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam và chế độ đối với phạm nhân là người chưa thành niên và các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đã có 28 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số từ ngữ, thuật ngữ, điều khoản, nội dung cụ thể trong dự thảo luật nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp, khoa học và khả thi hơn. Bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên như đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đây là dự án Luật có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như về: Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; về quỹ bảo tồn di sản văn hóa,…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)