Thái Nguyên: Nhiều công trình nước sạch không phát huy hiệu quả
Năm 2011, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xóm Tân Yên, xã Quân Chu (Đại Từ) được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 134, với tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Mục tiêu của công trình nhằm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho trên 50 hộ dân của xóm. Tuy nhiên, do lâu ngày không được bảo dưỡng và một số người dân đục đường ống để lấy nước sản xuất nên đến nay, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, đồng hồ nước bị hư hỏng, nước lúc có lúc không, lượng nước không đủ để cung cấp cho các hộ dân này. Vì thế, đến nay, chỉ còn hơn 10 hộ sử dụng nguồn nước này, các hộ còn lại phải khoan giếng hoặc gánh nước về dùng.
Cũng tương tự như công trình cấp nước xóm Tân Yên, cách đây gần 10 năm, công trình nước sinh hoạt xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa (Phú Bình) được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 1 tỷ đồng để cung cấp nước cho người dân trong xóm. Công trình gồm 1 giếng khoan, bể chứa, đường ống dẫn nước... với cách thức là lấy nước từ giếng khoan, đưa vào bể chứa rồi dẫn vào đường ống cung cấp cho các hộ dân. Nhưng chỉ sau vài tháng vận hành, công trình đành bỏ không vì người dân không sử dụng nguồn nước này mà tự khoan giếng với lý do chất lượng nước như nhau mà dùng nước giếng khoan lại không mất tiền.
Ngoài 2 công trình nói trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều công trình nước sạch không mang lại hiệu quả như mong muốn hoặc bỏ không. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có trên 220 công trình nước sạch, trong đó có 71 công trình hoạt động bền vững, 44 công trình hoạt động trung bình còn lại trên 110 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động.
Về nguyên nhân dẫn đến các công trình này không phát huy tác dụng thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc ở một số nơi do hoạt động khai thác rừng, khai thác khoáng sản, làm đường giao thông đã làm hư hỏng, ảnh hưởng đến công trình. Cùng với đó, công tác quản lý sau đầu tư còn chưa được quan tâm, đa số công trình được xây dựng đã có thời gian sử dụng lâu năm (từ trước năm 2000) lại không có kinh phí duy tu, sửa chữa nên nhiều công trình xuống cấp, không hoạt động được. Ngoài ra, phải nói tới ý thức của một số người dân trong việc sử dụng nguồn nước chưa tốt, có những nơi người dân tự ý đục đường ống để dẫn nước vào đồng ruộng tưới cho cây trồng, hay sử dụng nguồn nước lãng phí...
Hiện, các công trình này đang hoạt động theo 4 mô hình quản lý, trong đó, 23 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý; 3 công trình do hợp tác xã quản lý; 9 công trình do doanh nghiệp quản lý; còn lại gần 200 công trình do UBND xã và cộng đồng dân cư quản lý. Thực tế cho thấy, những công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, các hợp tác xã và doanh nghiệp quản lý phát huy hiệu quả tốt hơn các công trình được giao cho UBND xã và cộng đồng dân cư quản lý.
Thường thì khi bàn giao về địa phương quản lý, một số xã đã thành lập tổ quản lý, ban quản lý công trình, nhưng các tổ quản lý, ban quản lý vận hành do không đủ năng lực, trình độ chuyên môn để quản lý, vận hành; mặt khác, chưa thực sự nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong quản lý, vận hành công trình cấp nước, dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp và hư hỏng.
Mục tiêu của tỉnh là từng bước nâng cao chất lượng nước sinh hoạt với tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 75% vào năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc dành một nguồn kinh phí nhất định để đầu tư các công trình nước sạch, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp, chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước, thì cần thiết phải thực hiện một cuộc tổng rà soát lại hiệu quả của toàn bộ các công trình đã đầu tư xây dựng trước đó. Từ đó có phương án duy tu, sửa chữa đối với những công trình hư hỏng, đồng thời có cách thức hoạt động phù hợp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước hợp vệ sinh, có ý thức tham gia bảo vệ công trình và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước sạch một cách hiệu quả. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ công trình và sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Theo baothainguyen.vn
Tin cùng chuyên mục
- Quỳnh Phụ: Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân 26.09.2023 | 09:32 AM
- Khắc phục khó khăn, bảo đảm cấp nước ổn định mùa nắng nóng 25.07.2023 | 10:29 AM
- Cấp nước sạch an toàn, ổn định 19.01.2023 | 02:55 AM
- Phổ biến các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch 25.04.2022 | 17:41 PM
- Công ty Mỹ Hưng cần khẩn trương cung cấp nước ổn định cho 2 xã An Thanh, An Mỹ 19.07.2021 | 09:42 AM
- Bể nước thắm tình quân dân 19.07.2021 | 10:17 AM
- Đưa nước sạch đô thị về nông thôn 16.07.2021 | 09:39 AM
- Nước sạch nghĩa tình 13.07.2021 | 18:03 PM
- Giúp đồng bào được sử dụng nước sạch 12.07.2021 | 08:36 AM
- Người Êđê giữ bến nước như mạch sống buôn làng 08.07.2021 | 20:50 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng