Thứ 7, 23/11/2024, 10:12[GMT+7]

Huyện Long Thành (Đồng Nai): Tỷ lệ người dân dùng nước sạch còn thấp

Thứ 3, 22/11/2022 | 15:58:26
3,615 lượt xem
Được tỉnh xác định mục tiêu trở thành đô thị, thành phố sân bay nhưng hiện tại H.Long Thành có tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch thấp nhất tỉnh.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đơn vị H.Long Thành kiểm tra công trình cấp nước sạch nông thôn tại xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: H.Lộc

Long Thành hiện có 2 công ty cấp nước sạch đang hoạt động, 3 công trình cấp nước nông thôn đã được đầu tư, các hồ để khai thác nước, nhưng vì sao tỷ lệ này vẫn thấp?

* Thấp hơn bình quân chung của tỉnh

Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Long Thành Phạm Anh Dũng cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 71 ngàn hộ dân, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt khoảng 81%, thấp hơn bình quân chung của tỉnh, chưa đạt mục tiêu nghị quyết của huyện.

Cụ thể, về nước sạch nông thôn, trên địa bàn huyện có 3 công trình nhưng công trình tại xã Bàu Cạn đã ngưng hoạt động do xuống cấp; công trình tại xã Bình Sơn hoạt động đạt khoảng 38% so với công suất thiết kế do đường ống hư hỏng, chất lượng nước không đảm bảo; công trình tại xã Bình An thiếu tuyến ống nhánh về các khu dân cư nên hoạt động dưới 50% công suất thiết kế.

Về cấp nước đô thị, tại huyện có 2 công ty đang đầu tư cấp nước sạch cho TT.Long Thành và một số xã nhưng các nhà đầu tư mới quan tâm làm tuyến ống chính, chưa có tuyến ống nhánh đưa nước về khu dân cư, hộ gia đình, thêm vào đó chi phí vào nước máy khá cao, khoảng 5-7 triệu đồng/hộ. Do vậy, tại TT.Long Thành tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đạt khoảng 54%, còn các xã tỷ lệ này dao động khoảng 2-34%, có xã chưa có nước sạch đô thị.

Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết, xã vừa có cấp nước nông thôn, vừa có cấp nước đô thị nhưng chỉ có khoảng 650/2.800 hộ dân được cấp nước. Nguyên nhân là công trình cấp nước nông thôn tại xã Bình Sơn không có bất kỳ thiết bị lọc nào, nước bơm từ giếng lên bồn rồi cấp đến các hộ, nhiều hộ thấy vậy không sử dụng; đường ống cấp nước nhiều nơi hư hỏng. Còn cấp nước đô thị, tại xã có tuyến ống nước sạch của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai qua đường 769 nhưng chưa có tuyến vào sâu khu dân cư. Do đó, chỉ có 87 hộ dân ở mặt tiền đường được đấu nối nước.

“Cả xã chỉ có khoảng 20% hộ dân được cấp nước, còn lại sử dụng giếng khoan, giếng đào kết hợp máy lọc nước. Để nâng tỷ lệ hộ gia đình dùng nước sạch, đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho dân, xã kiến nghị thanh lý công trình cấp nước nông thôn Bình Sơn, kiến nghị huyện và tỉnh làm việc với Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đầu tư tuyến nhánh đưa nước về các khu dân cư. Xã đã tổ chức họp và người dân thống nhất cao, có đường ống nước máy qua nhà là người dân sử dụng” - bà Trinh cho hay.

* Mục tiêu 90% dân số dùng nước sạch

Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) Trần Trung Hiếu cho rằng, H.Long Thành có 2 công ty cấp nước lớn đang hoạt động, có hồ Cầu Mới, hồ Lộc An nhưng tỷ lệ hộ gia đình dùng nước sạch thấp hơn bình quân của tỉnh.

Để đạt mục tiêu 90% hộ dân đô thị được bao phủ nước theo đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, huyện cần rà soát lại nhu cầu, xây dựng kế hoạch đầu tư và kêu gọi doanh nghiệp thực hiện.

Theo Phòng Quản lý đô thị H.Long Thành, thực hiện đề án trên, huyện đang kêu gọi đầu tư dự án Xây dựng hệ thống cấp nước tập trung hồ Lộc An công suất 5 ngàn m3/ngày đêm, vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. Mở rộng phạm vi cấp nước từ các công trình cấp nước hiện hữu về xã với tổng chiều dài hơn 160km, vốn đầu tư khoảng 130 tỷ đồng.

Theo H.Long Thành, việc nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn là không hiệu quả vì vốn đầu tư lớn, các công trình này quy mô công suất nhỏ, sử dụng nước giếng khoan không bền vững. Giải pháp là đầu tư công trình mới, mở rộng phạm vi cấp nước từ các công trình khai thác nước mặt hiện hữu, nhưng giải pháp này phụ thuộc vào khả năng tài chính của đơn vị cấp nước.

Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho rằng, nước sạch là an sinh xã hội, không chỉ cấp đủ mà phải cấp nước chất lượng cho người dân. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương rà soát lại nhu cầu của người dân, trên cơ sở đó lập kế hoạch và đề xuất phân bổ nguồn vốn thực hiện. Trường hợp nguồn vốn huyện không đủ để thực hiện thì sẽ làm văn bản kiến nghị tỉnh hỗ trợ.

UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng khi có đường ống nước sạch đến khu dân cư. Đồng thời, UBND xã phổ biến cho người dân biết quy định về khu vực hạn chế khai thác nước ngầm, khu vực chất lượng nước ngầm không đảm bảo để người dân chuyển sang dùng nước cấp.

Cũng theo lãnh đạo huyện, các công ty cấp nước đăng ký và được phân vùng đầu tư cấp nước sạch trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm cùng với địa phương đầu tư nước sạch cho người dân. Những khu vực có đường ống chính đi qua, nhà đầu tư phải làm tuyến nhánh về các khu dân cư, phải tính toán giảm chi phí đầu tư để giảm tiền vào nước sạch ban đầu cho các hộ dân.

Theo baodongnai.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày