Hà Nội hướng tới sử dụng nước mặt thay thế nguồn nước ngầm tại nhiều khu vực
Những thống kê
Thời điểm năm 2011, Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & môi trường) đã công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, mực nước ngầm đang sụt giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi cũng không đạt tiêu chuẩn. Ở đồng bằng Bắc Bộ, mực nước ngầm hạ sâu, đặc biệt ở khu vực Mai Dịch (quận Cầu Giấy - Hà Nội). Vào mùa khô, 7/7 mẫu đều có hàm lượng amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Riêng ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), hàm lượng amoni lên đến 23,30mg/l (gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép). Ngoài ra, còn có 17/32 mẫu có hàm lượng mangan vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn, 4/32 mẫu có hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn…
Cách đây không lâu, khi đánh giá về các tỉnh thành trên cả nước có số lượng người bị nhiễm asen, PGS.TS Lê Văn Cát, Trưởng phòng Hóa - môi trường, Viện Hóa học Việt Nam chỉ ra địa phương nhiều người nhiễm asen nhất chính là Hà Nội. Nhiều nơi mức nhiễm vượt quá hàng chục lần cho phép. Ô nhiễm hầu hết là các giếng nhỏ của gia đình và riêng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 5 triệu chiếc giếng như vậy. Đánh giá của Unicef còn cho thấy, khu vực phía nam Hà Nội (cũ) ô nhiễm asen nặng nhất, thậm chí đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc, đặc biệt tại một số khu vực thuộc phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), khu vực Thanh Trì.
Khu vực Hà Nội mở rộng hiện nay đều nằm trong danh sách có nguồn nước bị nhiễm asen cao như xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa), Liên Phương, Khánh Hà (huyện Thường Tín), Thọ Xuân (huyện Đan Phượng), Phương Trung (huyện Thanh Oai)…”. Tại huyện Quốc Oai, hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Còn tại huyện Đan Phượng, hàm lượng amoni trung bình vượt tiêu chuẩn cho phép tới 233 lần.
Đánh giá chung của các nhà khoa học và quốc tế, việc nước có asen là do nhiều nguyên nhân nhưng trên toàn vùng thì chủ yếu do địa chất, trong đất chứa quặng sắt, ô nhiễm nguồn nước ngầm...
Không phải bây giờ mà ngay từ thời điểm năm 2012, nhằm đánh giá về thực trạng nước ngầm của Hà Nội, Sở Tài nguyên & môi trường đã phân tích các mẫu nước được lấy từ nhiều nơi trên địa bàn TP. Với 150 mẫu nước được lấy từ các điểm khoan tại gần 200 giếng khoan khai thác nước quy mô công nghiệp và hàng nghìn giếng khoan khai thác nước giếng kiểu nhỏ lẻ, trong đó có giếng khoan Unicef của các hộ gia đình, đồng thời kết hợp với các tài liệu quan trắc nước dưới đất tại nhiều khu vực của Hà Nội cho thấy, diện tích nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đang có dấu hiệu mở rộng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm.
Khai thác nước mặt, giải pháp ổn định về nước sạch
Theo số liệu mới nhất từ Liên hợp quốc, Việt Nam có khoảng 97,2 triệu dân, trong đó, riêng ở Hà Nội, gần 3 triệu dân không được sử dụng nước sạch. Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, tổng công suất nước cung cấp đạt khoảng 1.065.145m3 một ngày, trong đó nguồn nước ngầm khoảng 629.850m3 một ngày; nguồn nước mặt sông Đà thuộc Cty CP nước sạch CP đầu tư nước sạch sông Đà cấp khoảng 219.295 m3 một ngày trên tổng công suất nhà máy nước sông Đà giai đoạn 1 là 300.000m3 một ngày. Còn nguồn nước mặt sông Đuống, thuộc Cty CP nước mặt sông Đuống cấp khoảng 150.000m3 một ngày trên tổng công suất, giai đoạn 1 là 300.0000m3 một ngày.
Ngoài hai nhà máy khai thác nguồn nước mặt, việc cấp nước khu vực đô thị còn được giao cho các đơn vị cấp nước chính như Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Cty Hawacom); Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông (Cty nước sạch Hà Đông); Cty CP Đầu tư Xây dựng và kinh doanh nước sạch (Cty Viwaco)… Hiện TP đã có quy hoạch cụ thể về nước sạch cho nhân dân. Theo đó, mục tiêu quy hoạch đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 95-100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90-100%. Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch là 100%; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90-100%...
Quy hoạch cũng cho thấy, đến giai đoạn đến 2025, TP sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các trạm xử lý nước ngầm quy mô công suất quá nhỏ, hoạt động không hiệu quả và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các nhà máy nước mặt công suất lớn. Ngoài ra, giai đoạn đến năm 2030 sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các nhà máy nước ngầm Tương Mai, Pháp Vân, Hạ Đình là nơi có chất lượng nguồn nước ngầm quá xấu (hàm lượng sắt, độ nhiễm bẩn hữu cơ, hàm lượng amoni rất lớn) dẫn đến chi phí sản xuất nước rất cao nếu như yêu cầu nước sau xử lý phải đạt chất lượng theo quy chuẩn.
Quy hoạch cũng điều chỉnh trong giai đoạn đến năm 2030 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam Hà Nội. Giai đoạn đến năm 2050 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm khu vực phía Tây Hà Nội. Quy mô khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung tại khu vực trung tâm, khu vực phía Bắc, khu vực phía Đông Hà Nội giai đoạn 2020, 2030, 2050 giảm dần.
Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050. Như vậy, nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống được quy hoạch làm nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước mặt quy mô công suất lớn.
Để đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước theo các giai đoạn của TP với việc giảm dần quy mô khai thác nước ngầm của từng khu vực, lưu lượng khai thác các nguồn nước mặt cũng tăng dần theo các giai đoạn. Quy mô khai thác nguồn nước mặt sông Hồng giai đoạn quy hoạch đến 2030 để cấp cho các nhà máy nước sông Hồng là 300.000m3/ngày, nhà má́y nước Bắc Thăng Long là 150.000m3/ngày, nhà máy nước Tiến Thịnh là 25.000 m3/ngày…
Từ quy hoạch cho thấy, tới đây việc khai thác từ nguồn nước mặt sẽ giúp cho người dân Hà Nội được sử dụng nước sạch ổn định, đặc biệt loại trừ được nỗi lo nhiễm asen từ việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm tại nhiều khu vực.
Theo phapluatxahoi.vn
Tin cùng chuyên mục
- Quỳnh Phụ: Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân 26.09.2023 | 09:32 AM
- Khắc phục khó khăn, bảo đảm cấp nước ổn định mùa nắng nóng 25.07.2023 | 10:29 AM
- Cấp nước sạch an toàn, ổn định 19.01.2023 | 02:55 AM
- Phổ biến các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch 25.04.2022 | 17:41 PM
- Công ty Mỹ Hưng cần khẩn trương cung cấp nước ổn định cho 2 xã An Thanh, An Mỹ 19.07.2021 | 09:42 AM
- Bể nước thắm tình quân dân 19.07.2021 | 10:17 AM
- Đưa nước sạch đô thị về nông thôn 16.07.2021 | 09:39 AM
- Nước sạch nghĩa tình 13.07.2021 | 18:03 PM
- Giúp đồng bào được sử dụng nước sạch 12.07.2021 | 08:36 AM
- Người Êđê giữ bến nước như mạch sống buôn làng 08.07.2021 | 20:50 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026