Thứ 7, 23/11/2024, 09:22[GMT+7]

Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dài Kỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập

Thứ 6, 22/11/2024 | 08:43:31
1,064 lượt xem
Phân loại rác thải tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều trong khi quá trình thu gom, phân loại và xử lý gặp nhiều khó khăn, lúng túng và bất cập.

Thu gom rác thải trên địa bàn thành phố Thái Bình - tất cả các loại rác đều đưa lên xe đem đi xử lý

Những mô hình dang dở 

Mặc dù Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn tới các cấp hội trên địa bàn toàn tỉnh bước đầu đạt kết quả tích cực, tuy nhiên việc nhân rộng mô hình, tăng số hội viên, phụ nữ tham gia còn gặp nhiều khó khăn. 

Chị Nguyễn Thị Roan, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Thịnh (Thái Thụy) cho biết: Năm 2022, Hội LHPN xã chọn 200 hộ ở 4 thôn thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Cùng với tập huấn kiến thức, hướng dẫn cách phân loại rác, các hộ được phát chế phẩm vi sinh để ủ rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng. Sau 6 tháng triển khai, lượng rác thải tại các gia đình đã giảm nhiều, chị em phấn khởi lắm. Chúng tôi kỳ vọng nhân rộng ra cả 6/6 thôn, tuy nhiên đến nay mô hình không nhân rộng ra được mà số hộ tham gia giảm chỉ còn 2/3 so với ban đầu.

Theo ông Hà Học Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh: Khi phân loại rác tại nguồn cần hỗ trợ người dân mua thùng đựng rác tiêu chuẩn nhưng địa phương không có kinh phí. Với các hộ gia đình có diện tích đất vườn thì thuận lợi cho việc ủ rác hữu cơ thành phân bón, nhưng nhiều hộ kinh doanh ở mặt đường lượng rác thải ra nhiều nhưng lại không có chỗ xử lý rác hữu cơ nên xã ưu tiên cấp thùng phân loại rác cho các hộ này. Do chưa có xe chuyên dụng vận chuyển từng loại rác nên tổ thu gom đi theo chuyến, chuyến trước vận chuyển rác hữu cơ, chuyến sau vận chuyển rác vô cơ nhưng vẫn để rơi vãi ra đường gây mất vệ sinh. Hiện lò đốt rác của địa phương không hoạt động nên phải xử lý rác theo hình thức chôn lấp, xe chở rác vào khu tập kết thì lại đổ chung các loại rác đã phân loại vào với nhau, xã cũng khó kiểm soát được, như vậy việc phân loại rác không có tác dụng nữa. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Có nhiều nguyên nhân khiến cho các mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn của tổ chức hội chưa đạt hiệu quả cao. Trong đó, công tác tuyên truyền tại các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Một số hội viên, phụ nữ và người dân cũng chưa nhận thức hết được vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, thiếu các kiến thức, kỹ năng và chưa có thói quen phân loại, xử lý rác tại nguồn. Cùng với đó, các trang thiết bị, dụng cụ để thực hiện việc phân loại rác còn thiếu, kinh phí để triển khai thực hiện còn hạn chế. 

Xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang là bài toán nan giải. 

Anh Hoàng Đình Sơn, cán bộ Công ty Cổ phần Hoa Hồng, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) cho biết: Công ty đang thu gom, phân loại, xử lý rác tại một số địa phương trên địa bàn huyện Hưng Hà, trong đó có một số địa phương thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Rác được Công ty thu gom về phân loại; rác hữu cơ được ủ làm phân bón để bán, còn lại là đốt. Nếu các hộ gia đình phân loại rác tại nguồn được thì tốt quá, công nhân đỡ tốn thời gian phân loại, tuy nhiên hiện nay các địa phương mới triển khai xây dựng các mô hình thí điểm phân loại rác theo nhóm nhỏ hộ gia đình. Khi phân loại rác thải rồi thì cần có xe chuyên dụng chở từng loại rác, nhưng số hộ tham gia phân loại rác quá ít mà tiền thu của các hộ dân phục vụ cho việc thu gom thấp, Công ty không có kinh phí đầu tư từng loại xe bởi sẽ đội thêm chi phí mua xe, phí vận chuyển, nhân công. Vì vậy, tất cả các loại rác đã phân loại hay chưa phân loại đều chất cả lên xe rồi vận chuyển về bãi tập kết, tiến hành phân loại lại. Do vậy, nếu đã phân loại, xử lý rác thải tại nguồn thì các địa phương phải thực hiện triệt để, đồng loạt tại tất cả các hộ dân; đồng thời tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải thì mới đạt được hiệu quả cao. 

Người dân vẫn thờ ơ với phân loại rác 

Cùng với Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn Thái Bình và một số địa phương cũng triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn song trên thực tế không phải mô hình nào cũng phát huy hiệu quả. Có địa phương thời gian đầu người dân hưởng ứng khá tốt nhưng sau đó nhiều hộ bỏ ngang vì lý do rác chậm được thu gom, không còn được hỗ trợ chế phẩm vi sinh. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Một số địa phương ban đầu còn đồng hành, phát túi phân loại, phát thùng đựng rác nhưng sau do thiếu nguồn kinh phí nên cũng dừng lại... Vì vậy, kết quả thu về không được bao nhiêu bởi công tác triển khai chưa đồng bộ, mới dừng ở tuyên truyền, vận động mà chưa theo sát hướng dẫn, kiểm tra. 

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội Nông dân tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; triển khai một số mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở các xã Thụy Duyên (Thái Thụy), Vũ Đoài (Vũ Thư), Vũ Trung (Kiến Xương)... Nông dân cũng tích cực thực hiện, bước đầu giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tuy nhiên mô hình này mới dừng lại ở việc thí điểm, khi có kinh phí hỗ trợ hoặc có dự án Hội mới có điều kiện triển khai và cũng chỉ phù hợp ở các vùng nông thôn khi các gia đình có diện tích đất để ủ và xử lý rác hữu cơ, đối với khu vực đô thị thực hiện sẽ khó khăn hơn. Vấn đề là rác hữu cơ sau khi các hộ gia đình phân loại xong có được vận chuyển riêng đem đi xử lý riêng hay lại đổ dồn vào với rác vô cơ? 

Qua khảo sát tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Thái Bình, hiện nay từ rác thải vô cơ đến rác hữu cơ đều được tập kết thành đống tại các ngõ hoặc các tuyến phố, sau đó người thu gom rác đẩy xe nhỏ hoặc ô tô đi thu gom. Người dân thành phố cũng đã quá quen với việc để chung các loại rác với nhau, nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ. 

Chị Nguyễn Thị Hoài, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Hàng ngày, gia đình tôi thải ra rất nhiều túi nilon, hộp đựng thức ăn cùng các loại rác khác như cuống rau, thức ăn thừa... nhưng đều đổ chung vào 1 túi rồi mang ra chỗ tập kết, cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc phân loại rác mà có phân loại thì trong nhà cũng không có chỗ để mấy loại thùng rác. 

Cũng có một số người dân đã có ý thức phân loại rác để thuận tiện cho công tác thu gom và tái chế. Tuy nhiên, công nhân môi trường khi thu gom lại bỏ chung những loại rác đã phân loại với nhau khiến việc làm này trở nên vô ích. 

Bà Phan Thị Hương, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho biết: Tôi cho các loại rác như cuống rau, vỏ các loại củ, quả hoặc thức ăn thừa vào túi riêng; chai nhựa, hộp giấy, đồ gia dụng hư hỏng vào một túi; các loại rác còn lại vào 1 túi nhưng người đi gom rác sau khi nhặt đồ phế liệu xong thì lại quăng tất cả các loại túi vào 1 thùng. Thế thì bằng hòa, tôi phân loại rác làm gì nữa cho tốn công. 

Theo ông Trương Văn Chi, thành viên tổ thu gom rác thải phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình): Chúng tôi chỉ được cấp 1 xe đẩy đi đến từng ngõ ngách trong khu dân cư để thu gom rác, có bao nhiêu thì chất cả lên xe gồm rác hữu cơ, vô cơ, rồi lẫn cả đất cát, vỏ chai, mảnh sành, thậm chí cành cây, que củi... Khối lượng rác ngày càng nhiều, chúng tôi thu gom không xuể, công việc này nặng nhọc, vất vả vô cùng mà thu nhập thấp. Nếu các hộ dân phân loại rác, chúng tôi phải đi 2 lần thu gom từng loại, điều này không thể làm được mà có thu gom riêng rồi ra chỗ tập kết cũng dồn chung vào một đống để ô tô vận chuyển đi xử lý. 

Tại bãi rác của xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình), phóng viên gặp một người dân chở cả một xe vỏ quả sầu riêng, vỏ quả dừa, các loại hoa quả hỏng đến đổ ở đây và được nghe anh chia sẻ: Lượng nhiều như thế này nên không ai thu gom, hàng ngày tôi tự đem ra bãi rác đổ, bởi có sẵn chỗ rồi thì cứ thế đổ thôi còn địa phương họ xử lý thế nào là chuyện của họ. Nếu không đổ ở đây tôi cũng không biết đem đi đâu. 

Theo bà Phạm Thị Năm, xã Xuân Quang Động (Đông Hưng): Nhiều năm nay tôi đi nhặt phế liệu ở các bãi rác. Nói chung đã là rác thì lẫn lộn tất cả, ai cũng muốn chuyển ra khỏi nhà mình càng nhanh càng tốt nên ít người nghĩ đến phân loại. Rác hầu hết được dồn lại thành đống tại các bãi rác của các xã để đốt hoặc chôn lấp, không phân chia đâu là khu chứa rác hữu cơ hay rác vô cơ đâu, nói chung rất ô nhiễm. 

Bãi rác của xã Đông Sơn (Đông Hưng). 

Do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, thiếu quy hoạch các bãi tập kết chất thải tập trung nên trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc. Tại các xã lò đốt rác đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ điều kiện vận hành, còn tại thành phố Thái Bình nhà máy xử lý rác thải luôn trong tình trạng quá tải càng làm cho bài toán xử lý rác thải sinh hoạt càng trở nên nan giải. 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày